Ảnh minh họa
Đối với nhiều cặp vợ chồng, ngủ chung giường đã trở thành quá khứ. Jenny Weiner (30 tuổi) và chồng David (36 tuổi) đã ngủ riêng kể từ tháng Ba khi lệnh phong tỏa bắt đầu.
Người vợ kể: “Tôi đang mang bầu và được liệt kê vào danh sách những người có nguy cơ nhiễm cao. Tôi làm việc tại nhà, trong khi đó, chồng tôi vẫn phải gặp gỡ khách hàng trực tiếp, ngoài ra anh cũng là người phải đi chợ và ra ngoài cho những việc cần thiết khác nhiều hơn tôi, nên chúng tôi quyết định ngủ riêng cho an toàn. Thật khó khăn khi phải làm như thế, vì chúng tôi đang sống trong căn hộ một phòng ngủ và David phải ngủ trên ghế sofa. Không ngủ chung giường thật lạ lẫm, làm bạn cảm thấy lo lắng thêm, nhất là khi mọi chuyện vẫn đang bất ổn ngoài kia”.
Không chỉ những người có nguy cơ lây nhiễm cao, nhân viên y tế cũng được khuyến cáo nên ngủ riêng. Tuy nhiên, từ trước khi COVID-19 xuất hiện, thuật ngữ “ly dị khi ngủ” đã xuất hiện từ lâu. Theo một khảo sát đầu năm nay, số người ngủ riêng đã gần gấp đôi so với mười năm trước, với 15% các cặp vợ chồng sống cùng nhau nhưng ngủ riêng giường.
Luana Ribeira (38 tuổi) và chồng Al (35 tuổi) đã sống chung với nhau ba năm và có hai con gái. Nhà có ba phòng ngủ, nhưng hai vợ chồng mỗi người một phòng và hai con gái ở phòng còn lại. Họ cho biết ngủ riêng giúp họ ngủ ngon hơn, và cho dù có chuyển đến nhà mới rộng rãi hơn, họ vẫn sẽ ngủ riêng. Nếu phải chung giường khi đi du lịch chẳng hạn, họ cảm thấy khó chịu vì đã quen với không gian riêng.
Bác sĩ Nerina Ramlakhan cho biết, những thắc mắc về giấc ngủ trên mạng tăng đáng kể trong những tuần gần đây: “Nhiều người mắc chứng lo lắng do tác động của những gì đang xảy ra trên toàn cầu. Những thay đổi trong phòng ngủ sẽ trở thành xu hướng lâu dài, vì người ta sẽ dần nhận ra lợi ích của việc ngủ riêng”.
Những lợi ích có thể kể đến như nếu một trong hai vợ chồng làm việc theo ca, hay phải chuẩn bị cho một buổi họp quan trọng vào sáng mai. Tương tự, nếu bạn bị ốm hay mệt, và cần không gian để cải thiện sức khỏe, thì ngủ riêng sẽ mang lại lợi ích không nhỏ.
Một người khó ngủ cần những biện pháp để dễ dàng chìm vào giấc ngủ như nhiệt độ, ánh sáng phòng được chỉnh riêng, cũng sẽ khó hòa hợp để ngủ chung với người nằm đâu cũng ngủ được. Trong những trường hợp này, ngủ riêng sẽ làm giảm cảm giác tội lỗi hay bực dọc với người ngủ cùng.
Ảnh minh họa
Dù những lợi ích nghe rất hấp dẫn, nhưng ngủ riêng cũng có vài bất lợi, trong đó có ảnh hưởng đến đời sống tình dục. “Vì bạn không nằm cạnh nhau, nên sẽ không có những kích thích do cơ thể mang lại. Bạn cần phải cố gắng nhiều hơn khi sinh hoạt tình dục” - Hilda Burke, nhà tâm lý học hôn nhân giải thích.
“Nếu bạn muốn có đời sống tình dục phong phú mà vẫn ngủ riêng, tôi khuyên bạn nên tìm giải pháp để cơ thể có cơ hội tiếp xúc gần và nhiều hơn” - 34% các cặp ngủ riêng cho biết.
Burke cũng nói thêm: “Giường ngủ là nơi vợ chồng có những cuộc trò chuyện riêng và thân mật mà không bị ai khác nhòm ngó hay quấy rầy, nên ngủ riêng sẽ khiến bạn mất đi không gian quan trọng này. Là con người, chúng ta sẽ thấy dễ dàng chia sẻ chân thành và thẳng thẳn trong bóng đêm. Vì thế, dù có ngủ riêng, điều quan trọng là bạn không nên làm mất đi những khoảnh khắc này. Hai người có thể chia sẻ chung giường trước hoặc sau khi ngủ”.
Với 38% số người thừa nhận quan hệ có vấn đề do vợ hoặc chồng có chứng khó ngủ và 67% do người kia ngáy, thì xu hướng ngủ riêng có làm nhiều người thắc mắc? John (27 tuổi) và Lucy (26 tuổi) đã sống chung với nhau sáu năm, nhưng chứng nghiến răng của John làm họ quyết định ngủ riêng từ đầu năm nay. “Tôi không cảm thấy điều này ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng tôi. Tôi thích sang giường của cô ấy vào buổi sáng hoặc ngược lại” - John chia sẻ.
Bác sĩ Ramlakhan đề nghị tìm giải pháp khác trước khi đi đến quyết định ngủ riêng lâu dài: “Tôi thường khuyên khách hàng hãy tìm đến những cơ hội làm cho mình có giấc ngủ ngon - ví dụ như giảm lượng nước uống có cồn sẽ làm bạn bớt ngáy khi ngủ, hay không để các thiết bị điện tử trong phòng. Nếu thời gian làm việc của bạn ảnh hưởng đến giờ lên giường, liệu bạn có thể điều chỉnh thời khóa biểu?”.
Các cặp vợ chồng cũng nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao muốn ngủ riêng, chứ không nên chỉ đơn giản cho rằng do tiếng ồn của nghiến răng hay tiếng ngáy. Điển hình, có cặp ngủ chung rất ngon khi đi du lịch, nhưng về nhà lại không thể chia chung giường.
Nguyên do là cô vợ liên tưởng chiếc giường họ ngủ chung với những lo lắng bồn chồn cô hay gặp, và mỗi khi nằm lên nó, cô bị căng thẳng. Vì thế, trước khi quyết định ngủ riêng, các cặp đôi cần tìm hiểu và giải quyết các gốc rễ của vấn đề.
Theo phunuonline