Chị Hạnh Dung thân mến,

Em 26 tuổi và chồng em 32 tuổi. Chúng em đã có một bé hơn 1 tuổi. Vợ chồng em quen nhau qua giới thiệu, yêu được 1 năm thì cưới, cho đến nay đã kết hôn được 3 năm. Trong thời gian yêu, chúng em chưa tìm hiểu kỹ về gia đình, con người của nhau, nên khi sống chung một nhà khó tránh khỏi xích mích, cãi vã, bất đồng quan điểm.

Kể từ sau khi em sinh con, chồng em đẩy trách nhiệm chăm sóc con cho mẹ chồng và em. Mẹ chồng vì thương con, thương cháu mà giành hết việc, mặc cho em đã vài lần khuyên chồng và mong muốn mẹ chồng để cho anh có trách nhiệm với gia đình.

Sau khi có con, em gợi ý hai vợ chồng cùng làm ăn, mở rộng kinh doanh kiếm thêm thu nhập. Nhưng chồng em chỉ thích sống an nhàn, không muốn đau đầu kiếm tiền, ỷ lại vào nhà vợ có điều kiện, nên đẩy gánh nặng tài chính lên vai em. Còn anh ấy túc tắc bán hàng ở nhà, tháng được 5-7 triệu tiêu xài cho bản thân.

Công việc của em có thu nhập khá, cộng thêm khoản cho thuê nhà nữa nên đủ sức lo cho gia đình. Tuy nhiên, càng ngày em càng vỡ mộng về chồng, và cảm thấy vô cùng thất vọng, chán nản, dần dần mất hết tình cảm dành cho anh.

Hai vợ chồng em không hợp nhau nên không nói chuyện, không chia sẻ với nhau nhiều. Cuộc sống ai người nấy lo, chỉ có trách nhiệm với con cái. Em cảm thấy nếu phải sống với người đàn ông này cả đời thì thật lãng phí, buồn tẻ.

Suốt 1 năm nay, từ lúc sinh con đến giờ, em vẫn cứ suy nghĩ mãi có nên ly hôn hoặc ly thân với chồng, và một mình nuôi con không? Con em còn bé và rất thích chơi đùa cùng bố, nhìn hai bố con tình cảm với nhau mà em không nỡ bỏ chồng để sống cho bản thân.

Mong chị Hạnh Dung cho em xin lời khuyên ạ. Em cảm ơn chị nhiều!

Lan Nhi

 

Em Lan Nhi thân mến,

Đọc thư của em, Hạnh Dung bị ám ảnh bởi chữ "chán". Bởi theo Hạnh Dung, trước tiên, chồng không phải món đồ, mối quan hệ vợ chồng cũng không phải là "sở thích" để mà nói rằng có thể tùy tiện giữ hay bỏ khi người ta "chán" nó.

Người ta có bao nhiêu lý do để kết hôn, chung sống, sinh con đẻ cái, thì người ta cũng có bấy nhiêu lý do để kết thúc cuộc hôn nhân đó. Nếu ly hôn là vượt qua những đau khổ, trăn trở, nỗ lực, cố gắng... thì từ nỗi buồn của sự chia ly, sẽ là mầm nảy sinh cho sự bình yên, thanh thản, hạnh phúc.

Em nói rằng khi kết hôn, dù đã quen biết nhau 1 năm, nhưng các em "chưa tìm hiểu kỹ về gia đình, con người của nhau, nên khi sống chung một nhà khó tránh khỏi xích mích, cãi vã, bất đồng quan điểm". Vậy thì cái lỗi của cuộc hôn nhân thất bại phần nào nằm ở chỗ các em không tìm hiểu kỹ. Như vậy thì bây giờ muốn ly hôn, các em cũng không nên xử sự hời hợt và bất cẩn được. Nhất là khi nó còn liên quan đến một đứa trẻ.

3 năm đầu của cuộc hôn nhân, theo các chuyên gia tâm lý, bao giờ cũng là khoảng thời gian hết sức khó khăn. Hai con người khác nhau, được dạy dỗ, chăm sóc khác nhau, lớn lên trong những môi trường khác nhau... tất nhiên không thể dễ dàng có ngay sự hòa hợp, thống nhất, chia sẻ... và cảm thấy vô cùng cần thiết cho nhau được.

Có được điều đó rất cần sự nỗ lực của cả 2 bên, sự cảm thông, chia sẻ, và nhất là tấm lòng hướng về nhau, hướng về mục đích chung là xây dựng gia đình.

Trong 3 năm đầu hôn nhân, có gia đình gặp khó khăn về kinh tế, khiến tình cảm hoặc bền chặt hơn vì biết đồng cam cộng khổ, có gia đình lại rạn nứt vì không chịu được vất vả.

Cũng có những gia đình việc kinh tế không vất vả, lại có người phụ giúp, thì vợ chồng được tạo điều kiện để gần gũi, tìm hiểu nhau. Cũng có gia đình (như gia đình em chẳng hạn) lại vì thế mà rạn nứt, bởi tinh thần trách nhiệm không có, sự gắn bó cũng trở nên lỏng lẻo.

Em thất vọng vì chồng an phận, không muốn nỗ lực trong việc kiếm tiền, thế nhưng khuyết điểm đó có thể xuất phát từ những thuận lợi trong đời sống hiện tại, cộng với tính tình và lựa chọn cách sống của chồng. Tuy nhiên, bù lại thì có lẽ chồng em là người bố tốt, và có thể không có những thói hư tật xấu mà nhiều đàn ông mắc phải.

Lời khuyên của Hạnh Dung là em hãy nghĩ kỹ xem cả hai đã nỗ lực gắn kết, chia sẻ với nhau chưa? Đã cùng nhau đặt lên bàn cân cái được cái mất trong việc ly hôn chưa? Đã thử tìm một tiếng nói chung hướng về con, và mong muốn giữ gìn gia đình trọn vẹn cho con chưa?

Hãy thử bằng mọi cách giao cho chồng những trách nhiệm cụ thể, chủ động chia sẻ với chồng những vấn đề của cuộc sống, tạo nên những hoạt động vui vẻ của gia đình cùng với con. "Tập yêu cái mình có", trước tiên là vì con, sau đó, có lẽ chính em cũng sẽ nhận được những điều tốt đẹp, hy vọng như thế.

Theo phụ nữ TPHCM