Nhà tâm lý học Quan Sơn Nguyệt (Trung Quốc) kể, có lần ông xem một video ghi lại diễn biến sau vụ ly hôn của một cặp vợ chồng ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. Khi người mẹ bước đi, đứa trẻ giãy giụa, gào thét trong tay cha: "Thả con ra, con không muốn ở với bố. Mẹ đừng đi".
Tại sao mọi người thường nói "Ly hôn, đáng thương nhất sẽ là đứa trẻ". Vậy thời điểm bố mẹ ly hôn khiến đứa trẻ đau khổ nhất? Tôi lại nghĩ là không, bởi chúng đã đau khổ 365 ngày trong năm rồi. Chúng đã phải chứng kiến những cuộc cãi vã và sự oán hận trước và sau khi bố mẹ chia tay.
Trên mạng xã hội Zhihu (Trung Quốc) một cô gái kể, cô không hiểu tại sao cha mẹ mình lại chia tay, cho đến khi cô chứng kiến cảnh ông bố đi tiểu trực tiếp lên chiếc đệm lót bồn cầu mà mẹ cô thường đặt vào mùa đông. Hành động của người bố được cho là để trả thù việc "quên nhấc bệ bồn cầu lên, gây bất tiện cho người khác". Bà mẹ không chịu được đã ly hôn.
Sau khi bố kết hôn lần hai, cô gái đến thăm ông. Một lần đi vệ sinh xong, vô thức cô nhấc nắp bồn cầu lên. Khi ra ngoài, người dì hỏi: "Con nhấc nắp bồn cầu lên hả. Lần sau không phải nhấc đâu, bố con luôn để như vậy vì sợ dì đi vệ sinh sẽ bất tiện". Cô gái đã sốc khi nghe câu nói đó. Cuối cùng cô cũng hiểu, không phải bố không biết đối xử tốt với người khác mà chỉ là bố không tốt với mẹ.
Hôm đó cô đã thẳng thắn hỏi bố: "Trước khi ly hôn, từ lâu bố không còn yêu mẹ?", ông chỉ im lặng, không nói.
Thực sự, đứa trẻ hiểu về mối quan hệ giữa cha mẹ hơn bất kỳ ai khác. Chúng có thể hiểu chuyện chỉ qua một cái nắp bồn cầu, là sự im lặng kéo dài giữa hai người, chỉ nghe thấy tiếng tivi trong phòng hay ánh mắt né tránh nhau. Đó cũng có thể là hình ảnh một chiếc giường đôi nhưng thường có một người nằm, còn người kia chỉ trở về nhà vào ban đêm.
Hôn nhân là để hạnh phúc, ly hôn cũng vậy. Ly hôn không phải là việc xấu xa, nếu không còn tình yêu nên giải thoát. Hãy sống vì chính mình để con cái được yêu thương.
Quan Sơn Nguyệt kể, thời làm tư vấn tâm lý trẻ em, ông không thể quên cô gái trẻ lần nào gặp ông cũng gục mặt xuống khóc, miệng luôn nói: "Cháu không muốn về nhà".
Cô gái có một cuộc sống khá bình yên cho đến khi thi đại học. Một tối đó khi đang xem tivi trong nhà, người mẹ bất ngờ chạy vào, ôm con gái nức nở: "Bố con có người phụ nữ khác đã 3 năm nay". Ngay sau đó, bố cô bất ngờ xông vào đánh mẹ.
Kể từ đó, hai người không còn giữ thể diện trước mặt con gái. Chỉ cần cô ở nhà, mẹ sẽ kể xấu người cha, rằng ông đã tằng tịu và bắt nạt bà như thế nào. Mỗi lần về nhà, hai người lại lao vào khẩu chiến, kết thúc bằng sự đổ vỡ của bát đĩa, xong nồi... Nhiều đêm cô gái đều mơ thấy ác mộng, toàn thân run rẩy, nhìn chằm chằm vào đồng hồ trên tường cho tới sáng. Cô đã nhiều lần quỳ xuống cầu xin họ ly hôn càng sớm càng tốt. Nhưng người mẹ kiên quyết: "Mẹ sẽ không bao giờ để họ có được những gì họ muốn. Mẹ đã đau khổ thì đừng hòng họ được sung sướng".
"Những câu chuyện như vậy, tôi đã gặp vài trường hợp. Điều gì khiến một đứa con đau lòng nhất? Đó có phải là một cuộc ly hôn? Tôi nghĩ là không, bởi đó chính là những cuộc cãi vã, giằng xé, làm tổn thương nhau không dứt của cha mẹ trước mặt con cái", nhà tâm lý nói.
Có người hỏi tôi: Có nên kết thúc một cuộc hôn nhân? Tôi nói với họ nên suy nghĩ về 3 vần đề. Một là, nếu bạn thấy cuộc hôn nhân đã thất bại, việc rời đi tốt cho cả hai. Thứ hai, nếu bạn ở bên một người mà mỗi khi nghĩ tới luôn cảm thấy ngột ngạt, như cơn ác mộng thì ly hôn là giải pháp tốt nhất. Và cuối cùng khi con cái cầu xin và mong bạn sớm ly hôn. Thay vì mang lại sự oán hận cho đứa trẻ, lưu lại trong tâm trí chúng những ký ức đau buồn về bố mẹ mình thì chia tay càng sớm càng tốt.
Ly hôn không phải là kết thúc, mà là sự khởi đầu
Một cuộc hôn nhân bất hạnh, điều gì xung quanh cũng trở nên bất hạnh. Còn với một cuộc hôn nhân tốt, con người sẽ tự nhiên tốt hơn.
Nếu không thể tiếp tục bên nhau, hãy ly hôn, điều đó không có gì ghê gớm. Ai rồi cũng đến lúc phải thay đổi, khi tình yêu không còn và những lý tưởng mới xuất hiện sẽ buộc chúng ta phải ra quyết định. Với nhiều người, cuộc nhân duyên này chỉ đơn giản là đã đến hồi kết của một chương trong cuộc đời họ, để từ đó mở ra một cánh cửa khác với mong muốn sống bình yên.
Cuộc sống luôn có những biến số bất thường xảy đến, để thử thách con người. Người có bản lĩnh là người sẽ vượt qua biến số đó, dù là một bước đi gian khổ nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục tiến về phía trước và tìm được hạnh phúc cho mình. Ngay khi không còn là vợ chồng, họ vẫn có thể là những người bạn, cùng nuôi con trưởng thành. Bởi vậy, hãy sống cho mình nhưng đừng bao giờ quên dặn dò con cái bằng những hành động thiết thực khi bố mẹ chia tay: "Bố mẹ luôn là người thân của con. Bố mẹ luôn yêu con nhưng giờ sẽ theo một cách khác".
Suy cho cùng, hôn nhân là để hạnh phúc và ly hôn cũng vậy. Ly hôn không có nghĩa là chấm hết, nó chỉ là hồi kết của một câu chuyện mà thôi.
Theo vnexpress