Bố mẹ chồng tôi có hai con, con gái đã lấy chồng nên vợ chồng tôi cưới xong thì về ở cùng ông bà. Căn chung cư chúng tôi mới mua, mới làm nội thất, đành cho thuê.
Mọi chuyện bắt đầu khi An, cô em chồng tôi đưa con nhỏ về nhà ở. Hai vợ chồng An cơm không lành canh không ngọt nên đã ly hôn. Biết An khó khăn, chồng lại không chu cấp nên tôi nhận đóng tiền nhà trẻ cho cháu gái.
Mẹ chồng tôi xót con, suốt ngày ca cẩm về chàng rể nay đã thành rể cũ. Bà chửi cậu ta khốn nạn, tệ bạc và nói ngay trước mặt đám trẻ.
|
|
Sau ly hôn, em chồng mang con về nhà mẹ ruột, ở chung với chúng tôi (Ảnh minh hoạ) |
Tôi nhắc chồng nói nhỏ với bà, đừng làm gia đình u ám căng thẳng chưa kể đám cháu sẽ học theo.
Chồng tôi chẳng biết nói lại thế nào mà mẹ chồng tôi giận, nào là anh làm anh mà không thương em, nào là đáng lẽ phải cho “thằng vô trách nhiệm kia” một trận chứ không thể để nó nhơn nhơn như vậy.
Từ ngày mẹ con An về nhà ở, cô ấy không góp một đồng chi phí sinh hoạt. Có công việc đàng hoàng, nhưng thi thoảng tôi lại thấy cô nằm ườn ở nhà. Mẹ chồng tôi thì xuýt xoa: "Em nó đang buồn, tội nghiệp nó, làm anh chị phải cảm thông, thương em".
Thương thì tôi vẫn thương, nhưng cách sống của An thì không thể chấp nhận. Con gái An học cùng trường mẫu giáo với con trai tôi, sáng tôi đưa đi tối đón về. Cô ấy đi làm về sớm muộn gì cũng chỉ nằm khểnh lướt điện thoại, đến việc tắm con cũng không làm, đừng nói gì là lau nhà hay cơm nước.
Một ngày đẹp trời, đột nhiên mẹ chồng nhắc đến căn chung cư của vợ chồng tôi. Bà nói chúng tôi ở với ông bà, căn chung cư kia không cần tới. Em nó (là An) giờ không có gì trong tay nên làm gì cũng bị bó buộc, thôi thì của anh cũng là của em, vợ chồng tôi cho em căn hộ ấy, trước mắt An lấy tiền thuê nhà để chi dùng.
Nghe mẹ chồng nói, tôi chưng hửng, chồng tôi cũng đớ người.
Tôi nói căn hộ đó chúng tôi vẫn đang phải trả tiền ngân hàng hàng tháng. Tiền cho thuê để trả góp và chi dùng trong nhà chứ không tiêu riêng. Mẹ con An về ở đã hơn nửa năm, tiền học của con gái, tiền điện nước, ăn uống... tôi chưa hề cầm đồng nào.
Chồng tôi phân tích: Căn nhà này của cha mẹ, đành rằng khi ông bà trăm tuổi thì cũng thuộc về chúng tôi, nhưng trước mắt vẫn là của cha mẹ. Nay mai cha mẹ chia cho ai cũng chưa biết. Lỡ nảy sinh mâu thuẫn không thể ở chung với em gái thì vợ chồng tôi tay trắng đi ở nhà thuê?
|
|
Đâu phải sống một mình, cô ấy còn phải có trách nhiệm với con gái (Ảnh minh hoạ) |
Mẹ chồng tôi than thở con gái bà số khổ. Lấy chồng đã gặp phải kẻ không ra gì, về nhà lại gặp anh trai - chị dâu ích kỷ . Bà nói hoàn cảnh An sống chung với cha mẹ anh chị như vậy, muốn quen biết ai cũng khó. Nếu trong tay có cái nhà, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.
Chồng tôi kiên quyết nói không với phương án tặng nhà chung cư cho em gái, và từ đó ngày nào chúng tôi cũng phải nghe những ca cẩm than vãn của mẹ. Trước kia bà còn phơi phóng quần áo, lau dọn nhà cửa, nay bà giận không làm, An lại càng không làm gì, mọi việc lớn bé dồn hết cho tôi.
Chồng tôi tuyên bố trong bữa ăn: Hết tháng này chúng tôi sẽ ra ở riêng vì chúng tôi có nhà và thu nhập của hai chúng tôi không kham nổi chi phí cho bảy con người nữa. Ly hôn không phải là cái cớ để An buông xuôi, ỷ lại. Nếu không cố gắng tự vươn lên cô ấy sẽ bị chìm mãi. Cô còn phải có trách nhiệm với con gái nữa chứ!
Mẹ chồng tôi nghe vậy thì giật mình, hẳn bà cũng tính được một tháng phải chi dùng hết bao nhiêu tiền. Hai năm nay ở chung, lương hưu của ông bà đều mang gửi tiết kiệm và chi tiêu riêng. Nếu chúng tôi đi, không nói cũng biết ông bà bí bách thế nào.
Bà nói chúng tôi đừng giận dỗi mà quyết định vội vàng, là do bà xót con gái nên mới thế. Chồng tôi nói sẽ suy nghĩ thêm, nhưng nếu chúng tôi ở lại, mọi người cũng nên góp chi phí sinh hoạt, vợ chồng tôi không thể “bao sân” như trước.
Mấy nay về nhà, tôi thấy nhà cửa được thu dọn sạch sẽ, An cũng chịu vào bếp nhặt rau rửa bát. Mẹ chồng thôi ca thán mát mẻ.
Thôi thế cũng được, dần dà sẽ khác, ai rồi cũng phải thay đổi.
Theo phụ nữ TPHCM