Chị kết hôn năm 30 tuổi. Chồng hơn chị 5 tuổi, là đồng nghiệp làm cùng cơ quan lúc ấy. Ngày yêu nhau, chị từng ngưỡng mộ anh vì chí lớn, nhìn xa, mơ ước có sự nghiệp riêng, chu toàn cuộc sống gia đình hai bên. Ngày họ kết hôn cũng là ngày chị ủng hộ anh nghỉ việc để khởi nghiệp.

2 năm sau đó, khi chị vừa cấn bầu, lần khởi nghiệp đầu tiên của anh thất bại, tiêu sạch vốn liếng dành dụm bao năm đi làm. Không nản chí, anh quyết tâm khởi nghiệp lần 2. Ba má chồng ủng hộ con trai bằng cách bán đi mảnh đất và cho anh ít vốn. Dù bụng mang dạ chửa, chị sẵn sàng tăng ca để có thêm thu nhập trang trải chi phí gia đình, cho anh yên tâm kinh doanh.

3 năm sau đó, khi chị cấn bầu lần 2 và con gái đầu lòng được 3 tuổi, anh lại thất bại. Sau 3 năm gồng gánh kinh tế gia đình, chị bắt đầu mệt mỏi. Nhưng thấy chồng vẫn hừng hực khí thế “xung trận làm lại từ đầu”, chị không nỡ cản mà bấm bụng mang sổ đỏ căn nhà đang ở đi vay ngân hàng để có tiền đưa chồng làm ăn. Cảm động trước chân tình của vợ, chồng chị hứa lần này nhất định thành công.

Chồng cũ chị khởi nghiệp nhiều lần nhưng đều thất bại. Ảnh minh họa.
Chồng cũ chị khởi nghiệp nhiều lần nhưng đều thất bại. Ảnh minh họa.
 

Nhưng rồi, anh lại thất bại, và còn tệ hơn nữa là mang theo khoản nợ gần nửa tỷ đồng. Bất quá tam, lần này, chị nhất quyết từ chối yêu cầu đi kiếm thêm vốn để khởi nghiệp của chồng mà nói trở lại đi làm thuê, cùng chị trả nợ anh gây ra và gồng gánh kinh tế gia đình. Nhưng chồng chị nhất định không chịu.

Sau nhiều ngày ngọt nhạt dỗ dành chị về mượn tiền bố mẹ ruột không xong, anh trở mặt và tuyên bố sẽ tự lực cánh sinh, không cần nhờ chị. Chị cũng mặc anh, chẳng quan tâm nữa, cặm cụi đi làm và chăm sóc 2 con. Chẳng ngờ, anh đi vay tín dụng đen để khởi nghiệp và lại như bao lần trước, anh thất bại và tiếp tục mang nợ.

Không thể chịu nổi người chồng mơ mộng hão huyền và “đốt tiền” hết lần này đến lần khác, chị kiên quyết ly hôn. Cũng may, anh đồng ý ngay, không gây khó dễ gì. Căn nhà là tài sản chung trong hôn nhân, chị đề nghị anh bán đi để trả nợ ngân hàng, số còn lại chia đôi nhưng anh không đồng ý. Anh bảo để anh dọn đi, còn 3 mẹ con cứ ở nhà cũ, cho anh tiện lui tới thăm nom. Chị nghĩ cũng hợp lý nên chấp thuận.

Chẳng ngờ, anh dọn đi chưa bao lâu, chủ nợ lại tìm đến, yêu cầu chị cho gặp anh. Hóa ra, anh dọn đi là để trốn nợ cũ, còn địa chỉ nhà cũ vẫn dùng để tiếp tục vay nợ mới. Chị đưa quyết định ly hôn cho các chủ nợ xem và tuyên bố không liên quan đến những khoản nợ của anh. Nhưng mặc chị giải thích, họ vẫn lui tới thường xuyên. Chị gọi anh yêu cầu giải quyết nhưng anh chỉ ậm ờ cho qua.

Dù đã ly hôn, cuộc sống của ba mẹ con chị vẫn chưa yên ổn vì những khoản nợ của anh. Ảnh minh họa.
Dù đã ly hôn, cuộc sống mẹ con chị vẫn chưa yên ổn vì những khoản nợ của anh (nh minh họa)

 

Bố mẹ chị lo lắng cho 2 cháu nên bảo chị tìm nhà mới dọn đi rồi rao bán nhà cũ, làm áp lực bắt anh ký tên bán nhà. Trong lúc chị chưa biết tính sao thì chiều qua, chị vừa đi làm về, con gái lớn chạy ra ôm chị bảo: “Mẹ ơi, nãy mấy chú người xấu lại đến nhà”.

Em gái chị đang ở nhà trông cháu kể lại khi em đang lui cui nấu nướng, 2 cháu chơi ngoài sân thì có chiếc xe hơi trờ tới và vài người đàn ông bước xuống. Cũng may, con gái chị nhanh chân khóa cổng và chạy vào nhà, nhưng bọn họ cứ đứng bên ngoài réo tên chồng cũ chị mãi một lúc mới bỏ đi.

Nghe em gái kể, chị toát cả mồ hôi. Nhỡ bọn chúng lôi con chị lên xe và bắt cóc chở đi để làm áp lực bắt chị trả nợ thay anh thì biết làm thế nào? Căn nhà này không thể ở được nữa. Ngay đêm đó, chị lên mạng tìm một căn nhà thuê tạm rồi sắp xếp để mấy mẹ con chuyển đi sớm.

Chị nhắn tin cho chồng cũ, kể anh nghe sự việc và mong anh giải quyết nợ nần sớm, hoặc bán căn nhà chung để có tiền trang trải, nhưng đáp lại chỉ có sự im lặng. Chị thở dài, phải chi chị đừng dung dưỡng “chí lớn” của anh đến tận 10 năm thì nay đâu đến cớ sự có nhà mà không thể ở thế này.

Theo phụ nữ TPHCM