Tôi mân mê ngọn tóc, sau khi gội dưỡng các kiểu vẫn không cải thiện được mấy. Bé thợ trấn an: “Cắt bỏ đi chị, tóc còn lại sẽ khỏe hơn và chúng lại dài ngay thôi”.
Tôi biết, vì quá dài nên phần ngọn tóc không thể phục hồi hay làm sao cho đẹp như phần gốc được nữa. Tôi biết chỉ còn có thể cắt đi. Vậy mà vẫn chần chừ vì tiếc mái tóc dài của mình. Hình như thẳm sâu trong lòng còn sợ mất hình ảnh dịu dàng, thướt tha và chút ve vuốt phù phiếm khi mỗi lần lướt qua ai đó, nhận được lời khen sao tóc dài vậy, đẹp vậy.
Tôi giật mình, nhớ đến lời tâm sự của một cô em: “Cuộc hôn nhân này, không hiểu vì sao em còn giữ nữa chị”. Hình như tôi đã chựng lại hồi lâu rồi nhắn cho em, đến 2 lần, dứt khoát và ngắn gọn: “Không, em hiểu chứ”. Em im lặng.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chúng ta, phần đông đều biết rất rõ vấn đề của mình từ công việc, hôn nhân đến khả năng, hoài bão. Chỉ là hay tự đưa tay bịt mắt mình mà thôi. Chấp nhận và sống thật với bản thân, không dễ dàng chút nào, cần rất nhiều sự dũng cảm. Mà dũng cảm đâu phải ai cũng có. Như cầm một ly nước, phải chăng ta chỉ buông khi ly nước nóng không cầm được nữa, chứ được mấy người chịu buông khi nó chỉ mới bắt đầu ấm ấm đâu. Lúc đó, lúc đã rất nóng, ta buông, cái ly sẽ rơi xuống, bể tan. Chưa kể sẽ tung tóe nhiều mảnh vỡ, có thể khiến ta chảy máu.
Chúng ta thấy bất ổn, không còn cách nào sửa chữa, nhưng đâu đã dám buông. Đợi có những vụ ngoại tình, đợi những dằn hắt cứa vào tim sâu hoắm mới chịu rời đi. Vậy nên mới có người ôm cả những mảnh dằm trong tim, lay lắt cả một đời. Nhẹ thì chảy thành những dòng nước mắt u uất trong đêm, nặng thì tụ thành những nanh nọc, đầu độc mình đầu độc người!
Suy tận cùng, đó là sự yếu đuối rất người. Sự yếu đuối có thể cảm thông được. Rốt cuộc, cái còn lại sẽ là nỗi buồn. Càng trải nghiệm càng buồn, càng nhiều tuổi càng buồn. Tôi có đọc đâu đó một ý rằng, khi về già, người ta thường tiếc nuối những điều họ không dám làm hơn là những điều đã làm.
76 tuổi, dì dượng tôi đáng lẽ phải có những ngày nương nhau nhẹ nhàng đi qua bóng xế thì lại cãi vã, chì chiết mải miết. Những ấm ức về tiền bạc, về đối xử với nội ngoại 2 bên, về những lần lạc lòng, nín nhịn chất chồng tầng tầng trong quá khứ… Có lẽ dì tôi ngỡ mượn con cái, mượn trách nhiệm, thời gian mà tiêu hủy đi. Nhưng không, trái tim con người có thể quên những lần vui nhưng những lần buồn sẽ là vĩnh viễn. Như hòn than ẩn náu đâu đó thôi, càng thu hẹp vòng tròn giao tiếp với xã hội, càng quẩn quanh cùng nhau, những tàn lụi trong quá khứ càng có dịp bùng cháy mạnh mẽ.
Rồi ở cái tuổi có cả cháu cố, dì dượng mỗi người một mâm cơm, tự nấu tự dọn, nhà cửa khi con cháu rời đi lạnh ngắt, nghe được cả tiếng muỗi vo ve. Bao lần tôi tự hỏi, chỉ cần bước một bước chân thôi, để rũ bỏ cánh cửa ngăn cách đau lòng đó, mà khó đến vậy sao?
Đời người nhanh như bóng mây qua cửa sổ. Không khó để chúng ta nghe những câu nói quanh mình. “Ôi mới đây mà đã ra trường 20 năm”, “Ơi, con trai học đại học rồi à?”, “Lại hết 1 năm!”. Yêu thương hay giận hờn rồi cũng hết một đời chóng vánh. Nếu có thể vui được, sao ta không chịu khó để vui, hơn là lựa chọn nỗi buồn? Nếu có thể buông để bảo toàn cho người cho ta, sao lại chọn giữ chặt rồi tranh giành, thù hận, bẽ bàng cay đắng? Nếu có phải cắt một nửa mái tóc hư tổn để nuôi và chăm sóc cho phần còn lại khỏe hơn, sao ta lại cứ tiếc?
Vậy rốt cuộc vui hay buồn ở đời, thực ra đâu có ai cầm mà ấn vào tay ta đâu. Là ta chọn lấy, tự chọn lấy. Tôi không dưng nghĩ đến trong tay chúng ta ai cũng có 1 hòn sỏi. Ta chọn ném hòn sỏi xuống sông, mong gì không có những gợn sóng?
Theo phụ nữ TPHCM