Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em kết hôn đã 16 năm, 2 năm gần đây có chuyện bất hòa, nhiều mâu thuẫn ngày càng sâu, em nghĩ khó mà chung sống lâu dài nhưng vì còn nhiều vướng mắc về chuyện tài sản và con cái nên chưa ký giấy ra tòa. 2 năm nay, vợ chồng em sống ly thân.

Thật lòng, em không trông mong gì ở chồng em nữa. Em biết anh ấy đã có người khác từ lâu, cô kia là đồng nghiệp tại công ty anh ấy, chắc họ làm việc lâu với nhau nên nảy sinh tình cảm. Hiện tại công việc của em ổn định, thu nhập cũng tạm được, em nghĩ sau khi ly hôn mình vẫn có thể sống tự lập, nhiều khi chia tay mà cuộc sống lại nhẹ nhàng thanh thản hơn bây giờ.

Cách đây hơn tháng, chồng em bị đột quỵ nhẹ. Anh đang đi làm thì ngất xỉu ở văn phòng, may nhờ mọi người trong công ty đưa đi cấp cứu kịp thời. Chồng em phải nhập viện, sau đó được chỉ định đặt stent tim mạch, bác sĩ khuyên nên sống điều độ, làm việc vừa phải.

Điều đáng nói là sau khi chồng em bị bệnh, người đàn bà kia thay đổi thái độ. Dù sống ly thân nhưng em vẫn quan sát và thấy chồng em buồn hẳn, ít nói, hay thở dài và ít đi ra ngoài hơn trước.

Trong nhà, vợ con vẫn chu toàn nghĩa vụ chăm sóc nhưng em thực sự không còn tình cảm. Tình nghĩa vợ chồng như chén nước đã đổ ra đất rồi, em không muốn hốt lên nữa.

Nói ra bây giờ thì có vẻ tàn nhẫn nhưng cứ để lửng lơ thế này, em cảm thấy khó chịu. Biết đâu người ta nghĩ mình sẵn sàng tha thứ và quay lại với nhau. Em nên làm sao cho chồng hiểu rằng anh không còn đường quay lại nữa?

Bích Quyên (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Em Bích Quyên thân mến,

Ở đây, em cần phân biệt 2 việc rành rẽ. Việc thứ nhất là quan hệ hôn nhân: tình cảm giữa 2 người đã cạn, cả hai đều đã thống nhất không tiếp tục cuộc hôn nhân, chỉ chờ giải quyết xong chuyện tài sản là chia tay. Việc thứ hai là chuyện cư xử với nhau một cách đàng hoàng, nhân văn: một thành viên gia đình đang đau ốm, em nên giúp đỡ, chăm sóc. Em đừng để mình nhập nhằng, nhầm lẫn 2 chuyện này. Khi đã suy nghĩ tách bạch được rồi, em sẽ dễ xử sự hơn.

Với chuyện thứ nhất, những việc gì đang tiến hành để chuẩn bị ly hôn, em vẫn tiến hành, không dừng lại, không hủy bỏ. Chuyện tài sản tài chính lúc này lại càng phải rõ ràng vì có thể người ta sẽ cần đến khoản tiền để điều trị bệnh, để đảm bảo an toàn cho cuộc sống riêng.

Với chuyện thứ hai, em nên sắp xếp để việc chăm sóc giúp đỡ chồng không ảnh hưởng quá nhiều đến em. Ví dụ em không phải vất vả, thức khuya dậy sớm nấu nướng chăm sóc, không phải sấp ngửa chạy về nhà sau giờ làm để lo cho chồng, không phải thức khuya hay chịu trách nhiệm về chuyện anh ta mệt hay khỏe mỗi ngày.

Muốn làm được như vậy, trước tiên em nên chọn thời điểm để nói chuyện rõ ràng với chồng. Cố gắng tránh kể công, tránh căng thẳng nặng nề. Những việc em đã làm trong thời gian qua để giúp chồng, hẳn anh ta thấm thía hơn bao giờ hết.

Lúc khỏe mạnh đi đông đi tây, lúc đau ốm không còn ai, chỉ có thể trông cậy vào vợ con, dù đó là những người mình từng bỏ rơi, phản bội. Em cứ nói về việc mình không thay đổi quyết định nhưng với hoàn cảnh này, em sẽ giúp đỡ trong khả năng của mình. Anh ta cũng phải tự ý thức điều đó.

Em cần nói chuyện với các con để các con hiểu tình trạng và quyết định của cha mẹ. Các con có thể giúp đỡ ba hay cả nhà có thể thuê thêm người giúp việc. Mục tiêu là để chồng em phục hồi sau cơn bệnh và tiếp tục suy nghĩ, sắp xếp cuộc sống riêng. Cơn bệnh có thể làm chậm lại thời điểm cả hai đã dự liệu nhưng không thay đổi.

Khi đã làm rõ được mọi chuyện, em sẽ thấy mình ít bị chi phối bởi cảm xúc, ít khó chịu, bức bối vì phải chăm sóc một người mình đã không còn yêu thương. Dù sao người đó cũng là cha của các con em, chồng cũ của em. Thôi thì cứ coi như đây là việc thiện nguyện.

Nếu em chăm sóc tốt, thời gian bình phục ngắn lại, em sẽ sớm tìm được tự do. Chúc em bình tĩnh và kiên nhẫn trước thử thách này.

Hạnh Dung

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Văn Hùng (Quận Bình Tân, TPHCM): Có thể phụ chăm sóc chồng nhưng đừng quá hy sinh bản thân

Việc quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 16 năm không hề dễ dàng, nhất là khi đang bị ràng buộc về tài sản, con cái. Thay vì giữ trong lòng, bạn nên nói chuyện thẳng thắn với chồng về quyết định ly hôn.

Song, nhằm tránh gây thêm áp lực, tổn thương cho chồng, bạn nên đợi thời điểm thích hợp để thảo luận vấn đề này, đồng thời nói rõ cho anh ấy biết rằng dù ly hôn nhưng bạn và con vẫn có thể hỗ trợ chăm sóc sức khỏe anh ấy khi cần. Cần nhấn mạnh rằng bạn đã quyết tâm chia tay, không muốn sống trong trạng thái mơ hồ nữa.

Trong quá trình chăm sóc chồng, bạn không cần hy sinh bản thân quá nhiều mà phải biết lượng sức khỏe và tài chính. Hãy biết yêu thương chính mình để giúp bản thân sớm lấy lại cân bằng, chuẩn bị cho một tương lai mới.

Tuy nhiên, bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý có thể chồng bạn không đồng ý ly hôn. Trong trường hợp này, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè hoặc luật sư.

Thùy Châu (Huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai): Nói rõ cho con biết mối quan hệ hiện tại

Bạn không kể rõ vợ chồng bạn đang có bao nhiêu con, các con bao nhiêu tuổi, nếu ly hôn thì con sẽ ở với ai, con có đủ nhận thức để hiểu cho cha mẹ hay chưa...

Nếu các con yêu thương ba, thấy ba đang bị bệnh nhưng mẹ lại muốn ly hôn hẳn sẽ cảm thấy buồn, lo lắng, thậm chí bị sốc.

Điều bạn cần làm lúc này là nói rõ với con về mối quan hệ hiện tại của cha mẹ xem các con phản ứng ra sao. Nếu cha mẹ ly hôn, các con sẽ chọn sống với ba hay mẹ? Vì thương ba, các con có thể sẽ chọn sống chung với ba hoặc chồng bạn sẽ giành quyền nuôi con.

Bạn cần nghĩ đến việc nếu các con sống chung với một người đang bệnh thì sẽ khó đảm bảo cân bằng cảm xúc, gặp khó khăn trong việc chăm sóc, từ đó có thể mất tập trung, ảnh hưởng đến việc học tập. Để tránh ảnh hưởng đến con, vợ chồng bạn nên cùng ngồi lại bàn bạc kỹ càng trước khi đưa ra quyết định.

Theo phụ nữ TPHCM