Đầu dây bên kia là một người đàn ông nhưng nghe giọng rất khó đoán tuổi. Thanh Tâm chỉ có thể cảm nhận được người ấy đang rất mệt mỏi. Cách nói cũng không mạch lạc, nên phải một lúc sau, Thanh Tâm mới xâu chuỗi được câu chuyện.
3 năm về trước, người đàn ông này không may bị tai nạn giao thông. Dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng anh ta vẫn không thể đi lại bình thường được, phải bỏ dở công việc. Vợ anh ta cũng hết sức thông cảm với chồng, đã mở quán cà phê tại nhà cho chồng làm, đưa cả mấy đứa cháu chồng ra phụ việc cho quán.
Dù là nghề tay trái nhưng như để bù lại thiệt thòi của ông chủ, quán ngày càng phát đạt. Vốn là một kế toán, giờ đây ông chủ kiêm luôn chân coi giữ sổ sách, công việc không ít. Vậy nhưng cảm giác buồn bã vẫn đeo riết lấy ông. Nhất là người vợ không thể bỏ công việc hiện tại để ở nhà kinh doanh như ý nguyện của chồng bởi chị là một chuyên gia giỏi, thu nhập và uy tín đều cao.
Những lần phải xa vợ vài ngày vì các chuyến công tác trong Nam ngoài Bắc, cả nước ngoài không hiếm, người chồng lại nghĩ ngợi. Thỉnh thoảng chứng kiến các đôi uyên ương ngồi "thiền" ở quán cà phê nhà đến nửa buổi, mà chỉ cần hơi chú ý chút thôi đã biết họ không phải là vợ chồng hợp pháp, "người rỗi việc" lại thấy ruột gan như lửa đốt.
Điện thoại cho vợ nghe tiếng thì thào: "Em đang họp!". Sao mà giống cái điệu bộ của bà khách mà anh ta tình cờ nghe lỏm được đến thế. Quán cà phê hay thậm chí khách sạn, có khác gì cơ quan lúc đang yên ắng trong cuộc họp đâu.
Các ý nghĩ tiêu cực cứ quay cuồng trong đầu, khiến người chồng luôn xét nét hành vi của vợ. Dần dà, người vợ cảm thấy quá mức chịu đựng của mình. Thời buổi khó khăn, lo giữ vững vị trí của mình đã khó lại còn phải đối phó với mối ghen tuông nhiều khi rất vô lý của chồng.
Thực ra thâm tâm người chồng rất biết ơn sự nhẫn nhịn, hy sinh của vợ mình nhưng nỗi mặc cảm bệnh tật, cộng với tính gia trưởng đã khiến anh cảm thấy mình mất vai trò quan trọng trong mắt vợ. Dù chỉ là anh cảm thấy thôi nhưng trò đời đôi khi người ta chỉ khổ vì cái dấu "bằng".
Khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng lớn. Bản thân vợ anh cũng cảm thấy ngột ngạt với những câu tra khảo của chồng. Chị hay về muộn hơn với lý do công việc bận. Có chuyến công tác dù không cần thiết lắm chị vẫn cứ đi - là suy diễn của chồng chị thôi- chứ anh nào phân biệt được. Anh thấy chị đi công tác nhiều hơn, lại dài ngày hơn thì sôi sùng sục.
Thanh Tâm đã nhẹ nhàng phân tích cho anh thấy vấn đề của anh là vợ chồng không có sự trao đổi với nhau thẳng thắn, khi cuộc sống đặt người ta vào một thử thách mới. Anh thì ôm trong lòng mối mặc cảm nặng nề, chị thì không tìm cách chia sẻ, "gỡ mối tơ lòng" cho anh. Lâu dần đã hình thành một mối quan hệ vợ chồng tương kính như... khách, người này là một "ốc đảo" với người kia.
Sẽ không xa xôi gì cảnh hai người tìm thấy êm đềm ở người khác, không phải là chồng/vợ mà chạy theo giải quyết những vấn đề đó còn đau đầu, rắc rối gấp vạn lần những gì hai vợ chồng anh bây giờ. Dường như Thanh Tâm đã đánh trúng vào điểm yếu cũng như khát khao giữ trọn tình yêu và hạnh phúc gia đình của người đàn ông ấy. Hy vọng anh sẽ bình tâm yêu thương vợ như hồi chưa bị cái tai nạn giao thông vô cùng đáng ghét kia.
Cuộc trò chuyện kết thúc, Thanh Tâm lại đóng vai trò "người quan sát" cô con gái nhỏ đang say sưa với những trò chơi hướng nghiệp, cảm thấy yêu thương dâng trào. Thanh Tâm hy vọng đến khi con mình lớn lên, mẹ vẫn có đủ sức khỏe để nhỏ to tâm sự, cho con thêm vững vàng trong cuộc sống.
Thanh Tâm