Nốt hôm nay là tròn 2 tháng cam kết, Thịnh vẫn chưa xuất hiện. Trong lòng Linh bỗng có cảm giác thoải mái, cô tự nhủ: "May mà mình chưa đăng ký kết hôn".
Trong cuộc tình với Thịnh, Linh luôn ở tư thế "cọc đi tìm trâu". Có phải vì sự lép vế ngay từ đầu nên Thịnh mới dành cho cô thứ tình cảm lợt lạt, không rõ ràng?
Ngay hôm cưới, là chú rể nhưng Thịnh đã đến trễ gần một tiếng. Cả hôn trường lúc đó xôn xao, nhấp nha nhấp nhổm hướng mắt ra phía cửa. Linh nhiều lần phải chạy vào phòng vệ sinh khóc, rồi nhờ người dặm phấn, trang điểm lại. Riêng bố mẹ cô, trước bao nhiêu bạn bè, họ hàng người thân đã phải chịu cảnh muối mặt.
Chỉ có Linh rõ nhất, có điều gì cách trở bằng lòng người? Khoảnh khắc bơ vơ giữa hôn trường chờ chú rể, Linh thấm thía cái giá phải trả do sự cố chấp, nóng vội của mình.
Người ta thường nói, biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Trong trường hợp của Linh, cái sự biết ở đây không chỉ là biết rồi để đó, mà biết còn là điều chỉnh hành động cho phù hợp với lòng người. Và, thắng ở đây không hẳn là thắng lợi mà là việc duy trì một điều gì đó ít bất ổn nhất.
Trước đây, trong khoảng thời gian còn tìm hiểu, năm lần bảy lượt Thịnh đưa Linh về nhà chơi, mẹ Thịnh đều không đồng ý. Bà tỏ thái độ ra mặt. Với bà, Thịnh, cậu con trai duy nhất chỉ hợp với Diễm, người con gái môn đăng hộ đối mà trước lúc mất, cha Thịnh đã bày tỏ ý nguyện.
Linh nhận ra sự phản đối và tình cảm nguội lạnh của mẹ Thịnh, nhưng cô đã lớn tuổi rồi, bạn bè cùng trang lứa ai nấy đều đã yên ổn gia thất. Chưa kể, bao năm qua, Linh cũng phải chịu quá nhiều áp lực, hối thúc từ phía ba mẹ ruột.
|
|
Trong ngày cưới, Linh nhiều lần khóc tức tưởi vì cảm giác ê chề ( Ảnh minh họa) |
Linh cố chấp níu vào sự im lặng của Thịnh. Thịnh không mặn mà với Linh nhưng anh im lặng trước cách cư xử của mẹ, anh vẫn đồng ý cùng cô đi xem ngày tốt để làm đám cưới. Với cô chỉ cần như vậy là đủ, cô sẽ có chồng.
Ngày cưới đến, nếu hôm ấy, những cô dâu khác khóc vì hạnh phúc thì Linh lại rơi nước mắt vì tủi nhục, ê chề.
Sau đám cưới, Thịnh không đón Linh về ở nhà chồng, anh cũng không thuê nhà riêng để cùng cô xây tổ ấm. Cậu chỉ chạy đi chạy về nhà ngoại, như thuở còn hò hẹn, yêu đương.
Riêng ba mẹ Linh, sau hôm đám cưới ông bà đã nhận ra sự khổ tâm của con gái, nhận ra trái đắng của cuộc hôn nhân bị hối thúc, gượng ép, nên không tạo thêm bất kỳ một áp lực nào nữa. Hai người để tùy Linh tính liệu chuyện tình cảm với "gã chồng hờ".
Nửa năm trôi qua, Linh vẫn chưa cấn thai, vợ chồng vẫn chưa có một tiến triển hay sự gắn bó nào rõ ràng hơn. Biết con gái bất an, một hôm, bố Linh nghiêm khắc gọi Thịnh tới.
Ông đưa ra hạn định: “Chúng tôi cho anh hai tháng để xác định lại tình cảm của mình. Nếu anh thương Linh thật, gia đình anh phải tổ chức một đám cưới đàng hoàng ở nhà trai, đưa rước nó về theo đúng thông lệ. Nếu không, anh phải thuê nhà rồi vợ chồng về sống cùng nhau. Phương án cuối, chúng tôi sẵn sàng để anh ở rể, tuy nhiên chồng đâu vợ đó, cưới nhau rồi không thể có chuyện thích thì đến không thích thì đi như vậy. Nếu mẹ anh xem anh là vàng thì con Linh đối với chúng tôi cũng là ngọc là ngà”.
Trong vòng 2 tháng, Thịnh về thăm Linh đúng 3 lần, gọi điện mấy cuộc, còn đâu trong khoảng thời gian cuối, anh gần như mất tích luôn. Nhìn những câu trả lời hụt hoạt, những lần “đã xem” nhưng không trả lời tin nhắn từ Thịnh, Linh biết đã đến lúc mình phải mạnh mẽ.
Trước đây, cô phạm sai lầm một phần do bố mẹ tạo áp lực còn bây giờ, đằng sau cô là cả vòng tay che chở, sự hậu thuẫn của cả gia đình. Cô sẽ không hạ thấp giá trị của bản thân mình nữa. Trong chuyện tình cảm sau này, cô cũng không cho phép bất kỳ một người đàn ông nào có quyền đối đãi với cô như cách Thịnh từng làm. Đúng như lời ba mẹ, cô là ngọc là ngà, sao có thể để người khác tùy tiện đặt vào thế “có cũng được, không có cũng không sao”.
Linh nhủ thầm: "May mà mình chỉ cưới chứ chưa đăng ký kết hôn, con đường phía trước thế là thênh thang rồi".
Theo phụ nữ TPHCM