Chị Hạnh Dung kính mến,

Chồng em là người may mắn một cách kỳ lạ. Kiểu như, hễ đi thi là đậu cao, đi làm giấy tờ là được giúp đỡ; anh đi trễ thì gặp khách hàng còn đi trễ hơn, ở nhà thì cả ba mẹ lẫn các chị xúm vào chăm sóc. Việc cả nhà phải lo lắng, chờ đợi anh là bình thường, chẳng ai phàn nàn.

Từ lúc quen anh, em đã biết chuyện này. Em hay nhắc anh nên chủ động mọi việc, không thể dựa vào hỗ trợ của mọi người hoài. Nhưng về sau, em càng thấy ở sự ỷ y đó của anh còn chứa đựng sự ngạo mạn, hợm hĩnh, tự cho mình đặc quyền. Hẹn với ai anh cũng không bao giờ cố gắng đi đúng giờ. Anh xem việc đi trễ là bình thường. Đến nơi, anh lại viện một lý do gì đó rất hợp lý để khỏa lấp. 

Anh có năng lực và không ngại đỡ đần chuyên môn cho người khác ở công ty, nhưng anh lại dựa dẫm mọi người trong tất cả những việc còn lại. Công ty sắp xếp lại văn phòng, ai cũng phải tự lo cho bàn làm việc của mình thì anh… kệ. Cậu em đồng nghiệp hay ông anh chí cốt nào đó sẽ phải lo cho anh. Anh luôn thả nổi cho tới phút cuối mới mở lời nhờ ai đó giúp. Kỳ lạ là luôn có người vui vẻ giúp.

Khi vợ chồng đi học lái xe, em học hành rất nghiêm túc vì nghĩ thời gian mình bỏ ra để lấy bằng rất quý giá, anh thì vẫn cái kiểu coi thường, không học hành gì cả. Lúc vợ chồng cùng đậu, anh kết luận là em cứ làm quá lên, rằng cuộc sống rất dễ dàng. Đó chính là cách anh suy nghĩ và làm mọi thứ trong cuộc sống: xem nhẹ và vô ơn với những may mắn đến với mình.

Từ chuyện này, em bực lây sang cả nhà chồng vì đã chiều chuộng nên một con người như vậy. Hiện em không muốn nói chuyện, không muốn làm bất kỳ điều gì chung. Cứ đà này thì hoặc là em bỏ anh, hai là anh cũng bỏ em vì… thái độ. Xin chị cho em lời khuyên.

Nguyễn Thị Tuyết (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Tuyết mến,

Đầu tiên, cần xác định rằng em là người rất có trách nhiệm, còn chồng em có năng lực, được mọi người yêu mến. Em rất đúng ở chỗ, ai cũng cần phải có thái độ nghiêm túc với cuộc sống, phải chủ động sắp xếp cuộc sống của mình, không được phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.

Thế nhưng, con người vốn không hoàn hảo. Ai cũng có khiếm khuyết. Đặc biệt, có những người có hoàn cảnh đặc biệt khiến họ khó khăn hơn trong việc rèn luyện bản thân. Điều em cho là may mắn của chồng như được mọi người nuông chiều, giúp đỡ, lại chính là cái khuyết của hoàn cảnh, khiến anh hiếm khi phải đối diện với khó khăn một mình. Điều này khiến anh ấy không có đủ động lực để nhận thức thật rõ về rủi ro, cũng như chủ động phòng ngừa rủi ro.

Vậy, điều này có đáng ghét không? Hãy thử nhìn thái độ của mọi người xung quanh. Mọi người không ghét, ngược lại còn nuông chiều, giúp đỡ anh ấy; nghĩa là anh có những điểm tốt, những điều khiến người ta thấy dễ thương, hữu ích, nên họ không quá tập trung vào khiếm khuyết mà ngược lại có thể xuê xoa, “bù trừ” cho anh ấy.

Vậy tại sao em lại ghét? Vì em bị thu hút, tập trung vào khuyết điểm ấy quá nhiều. Em cần giải tỏa điều này để trước hết là cân bằng lại cảm xúc cho bản thân. Em cần nhận thức lại rằng mình đã bị mất cân bằng trong việc tiếp cận và đánh giá về chồng. Đây là điều cần “sửa chữa” trước tiên chứ không phải tính cách hay lối sống của anh ấy.

Một “mẹo” nhỏ để giúp em giải tỏa là hãy kể chuyện này với chồng. Hãy cho anh biết những điều em thấy bất ổn ở anh đã… làm em bất ổn thế nào. Hãy thành thật chia sẻ rằng em đang bị hút vào những khuyết điểm đó và đang khó chịu ra sao. Nghĩa là em thừa nhận vấn đề của sự việc nằm ở em, thay vì chỉ nhìn thấy vấn đề của chồng.

Việc cùng chồng nói trực diện vào khuyết điểm nọ có thể khiến em dễ chịu hơn vì sự “bất công” ở chồng đã được phơi bày, được nhìn nhận nghiêm túc. Về phía chồng, chia sẻ chân thành sẽ khiến anh dễ tiếp thu hơn.

Thông thường, một người giỏi, có khả năng “khỏa lấp” mọi việc thì khi bị chỉ trích, bị xoáy vào khuyết điểm hoài, họ sẽ phản xạ tự vệ, khỏa lấp. Nhưng khi em chia sẻ chân thành, không đòi hỏi một sự thay đổi, họ sẽ lắng nghe hơn. Khi ấy, họ không còn giương ra cái tôi đắc thắng khiến em phải ghét nữa.

Tóm lại, chuyện có thể rất lớn hoặc rất nhỏ tùy vào điểm nhìn của mình. Nhìn chồng, hãy nhìn cả mặt tốt mặt xấu và tìm cách cân bằng nếu phát hiện mình đang phiến diện, em nhé.

Theo phụ nữ TPHCM