Sau trận cãi vã vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, cô giận, bỏ ra ngoài tìm chút khuây khỏa. Để con lại nhà cho chồng, cô gặp nhóm bạn cũ, rủ nhau ngồi quán cà phê. Đứa bạn thân đang chuẩn bị về quê ăn giỗ, rủ rê. Từ ngày lập gia đình, cô chỉ biết quanh quẩn với bếp núc con cái, cả năm chẳng đi đâu xa. Sẵn đang buồn phiền, cô quyết định theo bạn làm một chuyến miền Tây.
Cô tính, đang dịp cuối tuần, để con cho chồng giữ cũng chẳng sao. Phải để chồng biết, cô không dễ bị ức hiếp hoài như vậy.
Anh đã hành động quá đà và không trở lại được nữa. Ảnh minh họa
Đứa trẻ hai tuổi vắng mẹ nên bứt rứt cả ngày. Không quen chăm sóc con, anh chồng muốn nổi điên. Thấy vợ đăng ảnh đang vui chơi trong vườn trái cây ở Tiền Giang, anh đóng sầm laptop, nằm thừ suy nghĩ, tìm cách “trả thù”.
Anh chụp bức ảnh con đang khóc, đưa lên mạng với dòng chú thích: “Mẹ bỏ con theo trai rồi. Từ nay con còn lại một mình với ba thôi”. Rồi anh viết thêm: “Người mẹ mê trai nhẫn tâm bỏ con có đáng lên án không? Nhờ các bạn chia sẻ tin này cho mọi người biết”.
Rất nhiều người đọc rồi thả tim tỏ ý đồng cảm. Một số bình luận chỉ trích gay gắt hành động của người mẹ. Bài viết của anh được chia sẻ nhiều nơi. Lác đác có vài yêu cầu đăng ảnh “người mẹ xấu xa”. Được ủng hộ, anh chồng lấy ngay bức ảnh vợ đang ở vườn trái cây đưa lên như một bằng chứng không thể chối cãi.
Chỉ trong vài giờ, gia đình hai bên, họ hàng, bạn bè của họ đều biết tin động trời. Tình ngay lý gian, cô vợ khổ sở giải thích với người thân. Việc đầu tiên khi hay tin, cô gọi điện thoại, định mắng chồng một trận, nhưng anh không nghe máy. Cô phải nhắn tin dọa, nếu anh không xóa bài vu khống, cô sẽ báo công an. Đến lúc này anh mới nhận thức sự nghiêm trọng của vấn đề.
Dù bài viết được gỡ bỏ và tài khoản mạng xã hội đã bị chủ nhân đóng lại, nhưng anh không thể xóa hết dư luận. Mệt mỏi với sự tranh luận đúng sai, cuối cùng cô cũng khóa trang mạng của mình. Sau một ngày ở nhà mẹ, phần nhớ con, phần được cha mẹ khuyên cố gắng gìn giữ hạnh phúc, cô trở về.
Cả hai vợ chồng đều nhận ra sự nông nổi bốc đồng của họ. Cả hai đều muốn nhường nhau một bước để gương vỡ lại lành. Nhưng mỗi lần bắt đầu nói chuyện, họ lại tranh luận về những vết thương đã gây ra cho nhau và lần nào cuộc đối thoại cũng kết thúc rất tệ. Từ đó, cả hai âm thầm chọn giải pháp im lặng để cuộc sống dễ thở hơn và hy vọng thời gian sẽ làm cho mọi thứ lắng dịu.
Gần một năm trôi qua, ai cũng nghĩ hai vợ chồng đã hòa thuận. Anh chăm chỉ làm việc rồi về nhà với vợ con. Cô chăm sóc con cái, nhà cửa tươm tất, sắm cái máy may gia công để kiếm thêm chút thu nhập. Việc phó mặc cho thời gian khiến sự im lặng giữa hai vợ chồng đã trở thành một thói quen. Cô chia sẻ nỗi buồn với một bạn nam chung lớp thời phổ thông, vốn là người đã từng có tình cảm sâu sắc với cô. Anh cũng đi tìm những người bạn mới và bắt đầu nhen nhóm tình cảm với một trong số đó. Cả hai đều không muốn gia đình đổ vỡ, nhưng họ lại không vượt qua nổi sự cô đơn.
Sự bốc đồng đã khiến một mâu thuẫn nhỏ trong mối quan hệ vợ chồng trở thành vết thương. Mỗi người đều muốn giữ cái tôi của mình, khiến cho vết thương không thể chữa lành. Trước nguy cơ tan vỡ, họ không đối diện vấn đề mà đi tìm một sự bình yên tạm thời khác để khỏa lấp. Sai lầm nối tiếp sai lầm. Rồi anh bất ngờ xin lỗi vợ, nhận hết mọi lỗi lầm về mình. Cô còn chưa kịp hiểu tại sao thì anh đề nghị ly hôn với thái độ rụt rè như một tội phạm.
Cô òa khóc, bảo không đồng ý. Anh bỏ ra ngoài, đi đâu đó suốt buổi chiều. Khi trở về, anh thừa nhận đã yêu người khác. Cô vẫn chưa chịu ký đơn ly hôn dù không biết phải sữa chữa mọi thứ như thế nào. Hình như tất cả đều đã muộn…