Ảnh minh họa
Thanh lấy Hoan được hai năm. Cũng từng ấy năm cô sống chung với bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng Thanh đều là cán bộ về hưu, có học thức và cư xử với con dâu văn minh. Tuy nhiên Thanh vẫn có một ấm ức ngấm ngầm.
Cho đến khi nuôi con đầu lòng, thì Thanh quyết định sẽ phải nói ra điều ấm ức trong lòng chứ không chịu đựng nữa.
Hàng ngày, khi vợ chồng Thanh đi làm về, mẹ chồng Thanh đã đi chợ mua nguyên liệu cho bữa ăn, và đang lui cui nấu nướng. Khi về, Thanh cùng phụ bếp với bà, và như một luật bất thành văn, khi cả nhà ăn cơm xong, thì Thanh rửa chén.
Trong mắt bố chồng, thì Thanh là cô con dâu vụng về. Ông Tuyên luôn phàn nàn rằng cô con dâu của ông xuất thân không phải ở thành phố nên cô không có văn hóa của người thành phố.
Ông than con dâu sinh hoạt tùy tiện, bừa bãi. Ví dụ quần áo mặc xong cứ vứt bừa lên ghế, giường mà không treo gọn gàng lên mắc áo. Tắm xong thì quần áo bẩn không bỏ vào giỏ giặt mà ném lên bồn rửa mặt. Rửa chén thì nước bắn ra ngoài bồn rửa, đã thế lại còn không lấy khăn lau khô. Thêm nữa, cái giỏ chặn rác đầy rác rến mà cô không đổ đi, để gián mò vào.
Ông không chỉ góp ý thẳng với Thanh, mà còn kể lể, phàn nàn thói bừa bãi, thiếu gọn gàng của Thanh với nhiều người khách tới nhà, khiến Thanh ngấm ngầm bực dọc.
Thanh nghĩ, cô đã đi làm, có nộp lương vào quỹ gia đình, cô cũng góp tay nấu ăn cùng mẹ chồng, lau nhà, đổ rác, giặt quần áo. Quần áo bừa bộn trong phòng cô thì đâu ảnh hưởng tới các không gian khác của gia đình. Việc rửa chén càng không nên phó mặc cả cho cô. Việc nhà cần được phân công cho công bằng, chứ không thể dồn hết vào tay phụ nữ.
Ví dụ mẹ chồng đã nghỉ hưu, giờ chỉ việc ở nhà đi chợ, nấu ăn, bà làm quá nhiều việc rồi, vì vậy bà không phải rửa chén. Việc rửa chén có thể chia cho ba người còn lại: là Thanh, chồng Thanh, bố chồng.
Thanh từng sang nhà bạn chơi, thấy bố chồng của bạn, từng là một ông tổng giám đốc công ty xây dựng, nay nghỉ hưu, ông vẫn vừa rửa chén, cọ nồi, vừa huýt sáo rất vui vẻ. Tại sao không thấy bố chồng Thanh rửa chén bao giờ?
Ảnh minh họa
Trong ba tháng đầu sau khi sinh con nhỏ, Thanh không phải nhúng tay vào nước, vì mẹ đẻ Thanh sang chăm cháu ngoại. Bà ở lại nhà và rửa chén, làm lụng như một Osin.
Nhưng sau ba tháng, mẹ Thanh về lại nhà ngoại. Lúc này Thanh vừa phải chăm con nhỏ, lại vừa lau nhà, đổ rác, rửa chén. Thế là nỗi bực dọc ngấm ngầm từ trước khiến Thanh bứt bối. Cô thương con, muốn dành thời gian cho con nhiều hơn, lại muốn "dạy chồng", nên đã quyết định "làm cách mạng".
Sau bữa ăn tối, khi bố chồng chưa kịp đứng lên ra ngồi xem ti vi như thường lệ. Thanh xin phép nói, rằng cô thấy việc dọn bàn ăn và rửa chén nên được phân chia đều cho 4 thành viên trong gia đình, để không trút mọi việc nhà lên tay hai người phụ nữ.
Cả ba người còn lại khi nghe cô nói vậy thì quá ngạc nhiên. Bố chồng Thanh tức giận, nói rằng cả đời ông chưa bao giờ rửa bát, tại sao con dâu dám sai bảo bố chồng?
Để xoa dịu, chồng Thanh nói sẽ thuê người giúp việc, nhưng mẹ chồng Thanh không chấp nhận, bà không thích cho người lạ vào nhà mình. Bà ủng hộ Thanh, nói rằng ông chồng bà và con trai bà cũng cần chung tay làm việc nhà, để hiểu việc này mất sức thế nào. Làm việc nhà vừa là vận động có ích cho vui và khỏe người.
Hóa ra, bao năm nay bà mẹ chồng cũng ấm ức như Thanh, vì ông chồng bà quả thật chưa bao giờ nhúng tay làm việc nhà. Nay con dâu lên tiếng, bà lập tức ủng hộ. Bà còn kẻ bảng chia ô, dán lịch phân công người rửa chén, lau nhà, giặt giũ lên tường và yêu cầu cả gia đình nghiêm túc thực hiện.
Việc không tưởng, cuối cùng đã được giải quyết. Lúc này, tự nhiên Thanh rửa chén bắn nước ra xung quanh nữa, mọi thứ rất gọn gàng, ngăn nắp vì cô làm việc nhà trong niềm vui thích.
Còn ông Tuyên, ông rửa chén với đôi chút hậm hực, đôi khi làm vỡ chén, nhưng không sao cả, vỡ thì vợ ông sẽ mua lại chén mới, bà đã tuyên bố thế. Chồng Thanh từ khi rửa chén bỗng hiểu công việc ấy nặng nhọc ra sao và thương mẹ, thương vợ hơn.
Người vui hơn cả Thanh sau "cuộc cách mạng", lại chính là bà mẹ chồng. Bà trở nên yêu thương, cưng chiều Thanh hơn bao giờ hết, đi đâu cũng khoe, cũng giới thiệu: "Con dâu tôi tính tình thẳng thắn, nó sống hiện đại, văn minh. Nó giỏi lắm, được lắm các bà ơi!".
Theo phunuonline