Mẹ chồng nhắn Chủ nhật mới làm giỗ đầu cho cha chồng tôi. Tôi ngạc nhiên: “Giỗ đầu không nên cúng muộn hơn mẹ à”. Mẹ chồng nói mẹ sẽ cúng đúng hôm giỗ, còn ngày Chủ nhật làm cỗ để mời bà con lối xóm.

Tôi than: “Mẹ ơi, Chủ nhật là ngày chúng con mới rất bận”. Mẹ chồng tôi nói: “Nhưng Chủ nhật bé Mỹ mới được nghỉ học”.

 
leftcenterrightdel
 Mẹ chồng luôn nói bà coi tôi như con gái ruột (Ảnh minh họa)
Bé Mỹ là cháu ngoại của mẹ tôi và bà chỉ cần biết ngày đó cháu không phải đi học, chứ không quan tâm ngày đó con trai và con dâu bận bịu thế nào. Đây không phải lần đầu mẹ chồng tôi sắp xếp việc trong nhà theo lịch học của bé Mỹ.

Ngày chúng tôi mới cưới nhau, mẹ chồng luôn nói bà coi tôi như con gái bà sinh ra. Nhưng càng ngày tôi càng thấy thân phận "con gái ruột" rất lạ. Thứ Sáu tuần này là ngày giỗ đầu cha chồng, sự kiện này chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất lâu. Công việc của chúng tôi vào cuối tuần rất bận, trong khi mấy ngày giữa tuần thì khá rảnh rang. Vì thế, từ nhiều năm nay, cứ công việc gì quan trọng mà rơi vào cuối tuần là chúng tôi tìm cách thu xếp sớm hơn, hoặc phải nhờ vả ngược xuôi để thu xếp ổn thỏa.

Giỗ đầu cha chồng, chúng tôi đã thở phào vì nó rơi vào thứ Sáu. Mẹ chồng tôi muốn làm vài mâm cỗ mời bà con lối xóm, và họ đều có thể tham dự vào ngày ấy, do mọi người ở quê nên cũng rảnh rang.

Người ta nói với người đã khuất, kỳ cúng 49 ngày và giỗ đầu là quan trọng nhất. Ngày đó con cháu nên cố gắng về đông đủ. Thế mà chỉ vì cháu ngoại được nghỉ học nên bà ép chúng tôi gồng gắng công việc sao cho khớp với lịch của bà. Con tôi - tức cháu nội của bà cũng đi học, nhưng chưa bao giờ bà hỏi han để sắp xếp.

Nhiều năm làm dâu, qua cách bà hành xử của mẹ chồng, tôi thấy có một sự ưu ái rõ ràng nghiêng về phía con gái và cháu ngoại.

Vợ chồng tôi và vợ chồng cô em chồng đều ở thành phố, và đều hướng về quê với… rau quả vườn nhà. Ở quê đất rộng, mẹ chăn nuôi, trồng rau sạch, bà nói để cung cấp cho các con ở thành phố. Thế nhưng, chỉ một đôi lần bà nhắn tôi qua nhà em gái chồng lấy rau và thịt gà bà gửi cho cháu nội, còn lại bà chỉ tập trung cho con gái và cháu ngoại.

leftcenterrightdel
 Tôi không gạnh tị với việc mẹ chồng tôi thiên vị cháu ngoại, nhưng giá bà nghĩ cho chúng tôi một chút (Ảnh minh họa)

Có lần đến nhà em chồng, tôi thấy tủ lạnh chật ních thịt gà, thịt vịt, thịt heo, sàn bếp xếp đầy bưởi, na, hồng xiêm... Em khoe tất cả là đồ mẹ gửi từ dưới quê.

Tôi có cảm giác tủi thân, nhưng liền tự an ủi: "Kể ra cũng khá bất tiện để gửi quà 2 nơi".

Nhưng tôi ước gì mẹ đừng khoe việc gửi thực phẩm cho tôi. Có lần mẹ đến nhà tôi chơi, mang theo một con gà đã làm sẵn và bà nói với hàng xóm nhà tôi rằng bà ở xa nhưng vẫn lo cho cháu nội từng bữa cơm, luôn gửi lên thịt sạch, rau sạch.

Tôi biết, mỗi khi mẹ nuôi một đàn gà mới, chồng tôi lại gửi bà vài triệu đồng để bà mua thức ăn vỗ béo chúng. Vì vậy nên bà mới dành một con gà cho chúng tôi chăng?

Nhớ hồi tôi sinh bé, mẹ chồng lên thành phố phụ giúp tôi chăm cháu, nhưng bà buộc bé Mỹ phải sang nhà tôi chơi. Bé Mỹ khi đó mới 4 tuổi, nên thay vì chăm cháu nội, mẹ chồng tôi chỉ dành phần lớn thời gian cho cháu ngoại ăn, cho cháu ngoại chơi, dỗ cháu ngoại ngủ. Quần áo, tã lót dơ của cháu ngoại và cháu nội, nhưng mẹ chồng chỉ giặt cho cháu ngoại, phơi phóng cẩn thận. Đồ của cháu nội, bà để mặc cho chúng tôi tự lo.

Những chuyện quà cáp, ăn uống như vậy, tôi nói ra mọi người có thể nhận xét tôi vụn vặt, chấp nhặt, nhưng tôi đâu có ấm ức về sự bất công của mẹ chồng. Tôi chỉ buồn và mong mẹ thương chúng tôi hơn mà thôi.

Theo phụ nữ TPHCM