Chị lấy anh năm 25 tuổi, anh hơn chị 15 tuổi, khi đó vừa tròn 40. Chị là gái nhà quê, anh là trai thành phố, đến với nhau nhờ được mai mối. Khi giới thiệu anh với chị, bà mối - là một người phụ nữ cùng làng - đã nói những lời như rót mật vào tai chị: “Nó 40 tuổi nhưng nhát gái quá, chưa từng quen ai. Nhà có tiệm làm net, có của ăn của để lắm, mày theo nó làm vợ không phải lo”.
Nghe bùi tai, chị đồng ý gặp mặt. Ngày gặp nhau, chị thấy anh đúng như lời bà mối nói, hiền lành, chất phác, nhát gái, nên nhìn chị là lúng túng, đỏ mặt. Chị cũng chưa từng nắm tay ai nên cũng bối rối và mắc cỡ không kém. Hai bên gia đình gặp nhau thêm 2 lần nữa là ấn định luôn ngày kết hôn, vì anh đã lớn tuổi rồi.
Sau đám cưới, chị về ở nhà chồng. Anh là con trai cả, ba anh mất sớm, trên anh chỉ còn mẹ, dưới có các em. Đúng như lời bà mối nói, nhà anh thuộc dạng có của ăn của để nhưng tiền bạc, đất đai… đều nằm trong tay mẹ chồng.
Anh được cho một căn nhà riêng ngay mặt tiền, mở tiệm net với tầm 20 máy, thu nhập rủng rỉnh nhưng mẹ chồng thu hết, rồi phát lại mỗi tháng một ít để anh trang trải tiền chợ, điện nước… Chị cảm thấy có gì đó sai sai, nhưng không dám lên tiếng.
Kết hôn chừng 2 tháng, chị cấn bầu rồi sinh được thằng cu kháu khỉnh. Mẹ chồng vui lắm, yên tâm từ nay nhà có cháu đích tôn. Bà chăm sóc, bồi bổ cho 2 mẹ con không thiếu thứ gì, làm chị cũng tạm quên đi nỗi lo “có gì đó sai sai” ngày mới cưới.
2 năm sau, chị sinh bé gái nhưng lần này, mẹ chồng không mấy mặn mà, bà chỉ thích cháu trai.
Con ngày càng lớn, chi phí càng nhiều, tiền hàng tháng mẹ chồng phát luôn thiếu trước hụt sau. Chị bàn với anh xin mẹ cho tự thu tự quản tiền, rồi hàng tháng biếu lại mẹ một ít. Anh ngần ngừ không dám nói nhưng chị đốc thúc quá, anh đành bấm bụng đi gặp mẹ. Mẹ chồng nghe xong, chỉ ngồi phe phẩy quạt, chẳng nói gì.
|
Thay vì để vợ chồng chị tự lo kinh tế và nuôi con, mẹ chồng lại giành nuôi cháu trai (Ảnh minh họa) |
Một tuần sau, bà tuyên bố: “Bây bảo không đủ tiền nuôi con, thôi để tao nuôi phụ. Thằng Minh từ giờ ra ở với bà nội, nội chăm cho ăn uống, học hành, mỗi cuối tuần về thăm ba mẹ một lần”. Chị nghe xong choáng váng, dù nhà mẹ chồng chỉ cách nhà chị chỉ tầm 2 cây số nhưng chị chưa từng nghĩ phải tách con trai khỏi ba mẹ như vậy.
Chị uất ức phản đối: “Dạ không, con của con thì để con nuôi. Mẹ không cho con lấy tiền tiệm net thì con đi làm kiếm tiền nuôi hai đứa nhỏ”.
Tức thì xảy ra một trận long trời lở đất. Mẹ chồng chị nổi cơn tam bành, mắng chị hỗn hào, ngỗ ngược, bà nói chị đi làm thì ai ở nhà cơm nước, chăm sóc chồng con… “Phụ nữ nhà này chỉ ở nhà nội trợ, không đi làm. Còn muốn đi làm thì dọn đồ đi luôn”, bà đanh thép.
Chồng chị đứng cạnh bên không dám hó hé tiếng nào. Chị cúi gằm mặt, nước mắt tuôn như mưa.
Qua hôm sau, chị gói ghém đồ đạc, đưa hai con về ngoại. Chồng chị quỳ xuống ôm chân chị, hai đứa nhỏ khóc òa lên, nhưng chị vẫn kiên quyết đi. Chẳng ngờ, về đến nhà ngoại, ba mẹ lại không cho chị vào nhà.
Ba chị bảo: “Lấy chồng rồi mà sống sao để bị đuổi, phải mang con về đây, chả khác nào bôi tro trát trấu vào mặt tao”. Chị chỉ biết ôm con mà khóc.
Khi 3 mẹ con vẫn còn lóng ngóng đứng ở hàng rào thì chồng chị về đến. Anh xin lỗi ba chị rồi năn nỉ cho đón mẹ con chị về nhà. Chẳng còn cách nào khác, chị đành phải theo anh. Ngồi sau xe chồng, chị ôm thằng Minh mà khóc như mưa.
Năm đó, thằng Minh chỉ mới lên 3 và từ đó đến nay đã 10 năm. Minh sống hẳn với bà nội và các cô. Thời gian đầu, nó còn nhớ mẹ mà khóc, nhưng càng lớn, nó càng ít nhớ hơn và dần dần chẳng mấy khi nó qua nhà anh chị nữa.
Thời gian đầu, chị chạy sang thăm con mỗi ngày, nhưng lần nào cũng bị mẹ chồng và các em chồng bóng gió xa xôi. Họ bảo chị sợ con không được chăm hay sao mà cứ ra vô thăm chừng. Những lần chị gặp thằng Minh theo năm tháng thưa thớt hẳn, hai mẹ con gặp cũng ít quấn quýt như xưa, dù nó sống cách chị chẳng bao xa.
Chị trách chồng mãi rồi cũng chán, ly hôn chồng thì cũng không đành, vì anh hiền và thương yêu vợ con. Nên thôi, chị kệ, nhìn thằng con trai mình rứt ruột đẻ ra ngày một xa dần. Niềm an ủi duy nhất của chị là ít nhất vẫn còn được nuôi con gái.
“Cũng may, nó là con gái nên không bị cướp đi”, chị tự nhủ để an ủi mình. Nhưng những khi nhìn tấm ảnh gia đình trên tường phòng khách, ngày thằng Minh còn nhỏ và nhà đủ 4 người, chị cầm lòng không đặng, nước mắt lại rơi.
Theo phụ nữ TPHCM