Ở nhà Trang, cứ năm ba bữa lại xảy ra một cuộc xung đột. Không chiến tranh nóng thì cũng chiến tranh lạnh. Nguyên nhân là vì mẹ chồng Trang là người cố chấp, ôm đồm, luôn muốn mình là trung tâm vũ trụ. Điều gì mẹ chồng làm, mẹ chồng nói đều nghiễm nhiên đúng.
Mặc dù ở chung, nhưng những đồ đạc trong nhà chỉ bà sắm sửa, sắp đặt, bà mới hài lòng. Từ chiếc ấm siêu tốc đến những đôi dép kẹp đi trong nhà, nếuTrang mua, mẹ chồng sẽ chê đắt chê rẻ, chê màu xấu hoặc chất lượng tồi.
|
Đã nhiều lần Trang chia sẻ với chồng về tính thích chê của mẹ (ảnh minh họa) |
Trang tích tụ trong lòng rất nhiều nỗi ấm ức. Có lần cô nói với chồng: “Em nói dọn ra riêng thì anh không chịu. Anh bảo ba mẹ chỉ có mình anh, nhà cửa lại rộng rãi, chuyển ra ngoài thì bà con, làng xóm nhìn vào đánh giá không hay. Nhưng anh xem, ngày qua ngày, mẹ đâu xem đây là một mái nhà chung để mọi thành viên cùng nhau vui vẻ sinh sống. Em nói gì mẹ cũng phủ nhận, làm gì mẹ cũng chê”.
“Vậy thì đừng nói, đừng làm nữa là được”, Hùng đáp rồi bỏ vào phòng tiếp tục chơi game.
Hùng đâu hiểu, vì anh là con ruột của mẹ, vì anh là đàn ông, ít va chạm nên anh không “bốc hỏa”, dồn nén, nhiều lúc muốn tức nước vỡ bờ như cô.
Ở phòng khách, mẹ chê cách cô bày trí, sắp đặt. Vào bếp, mẹ chê cô không biết cách chọn tôm cá thịt sao cho tươi ngon. Đỉnh điểm, thấy mấy đôi đũa có dấu hiệu mốc nên Trang đem bỏ và mua về chục đôi đũa mới để thay mà quên hỏi ý mẹ nên bà giận. Trong bữa cơm, nhìn mẹ chồng cầm chiếc thìa im lặng xúc cơm, Trang ứa nước mắt. Cô bảo Hùng sắp xếp chiều họp gia đình, cô có chuyện muốn nói.
Bao nhiêu ấm ức, uất nghẹn, dồn nén trong 2 năm về làm dâu, Trang lần lượt “xổ” ra. Cô cố gắng để giữ một tông giọng vừa phải, tránh mất đi sự tôn trọng đối với ba mẹ chồng.
Lần này, Hùng cũng góp chuyện: “Ba biết vì sao mà con rất hiếm khi phụ việc trong gia đình không? Mẹ bưng chậu cây, mẹ quét mạng nhện, mẹ rửa xe… Tất cả những việc nặng ấy, đáng ra con là người nên làm, nhưng mẹ không bao giờ hài lòng. Con làm gì mẹ cũng đứng bên cạnh “sửa lưng”, mẹ luôn coi con như một đứa con nít, con thật sự rất chán. Như chuyện mấy đôi đũa cũng vậy. Vợ con chỉ có ý tốt, cô ấy đâu làm gì sai trái mà mẹ phải nặng nề như vậy?”.
Chồng Trang vừa dứt câu, mẹ chưa kịp nói gì thì ba chồng đã lên tiếng: “Tính mẹ con xưa nay vậy rồi, luôn thích ôm đồm, làm mình làm mẩy. Tuy nhiên, để giữ hòa khí gia đình, ba luôn nhẫn nhịn. Ba nghĩ ba chịu được thì các con cố gắng, các con cũng chịu được thôi”.
Đến nước này, Trang đành thẳng thắn: “Thưa ba, mỗi người có một giới hạn chịu đựng khác nhau. Ba chịu được, không có nghĩa là vợ chồng con cũng chịu được. Lẽ ra, ba nên rõ ràng hơn. Tại sao bọn con thiếu sót điều gì, ba liền gọi vào chỉnh ngay. Vậy mà khi mẹ có những điều bất ổn, ba không góp ý. Ba làm như vậy, gia đình mình có thể yên nhưng chẳng bao giờ ấm. Nếu chúng con làm ba mẹ khó chịu đến vậy, vợ chồng con sẽ xin phép ra riêng”.
Sau cuộc họp, gia đình tiếp diễn cuộc chiến tranh lạnh. Trang không biết mình có hỗn hào, bất hiếu gì khi thể hiện rõ ràng quan điểm hay không, nhưng cô cứ nghĩ mãi đến hình ảnh "cây cao bóng cả". Những thân cây cổ thụ, cao lớn cũng như những người cao tuổi vậy. Nhờ sống lâu năm mà người lớn tuổi tích lũy được những kinh nghiệm sống, để cư xử tinh tế và bao dung. Người già là tấm gương sáng, là nơi tin cậy để cho con cháu mình yêu thương, tin tưởng, dựa vào.
Với mẹ chồng của Trang, từ ngày về làm dâu, cô chưa từng nhận được một lời động viên, khích lệ nào. Nỗi buồn, sự tổn thương của cô không hề nhỏ. Cô đặt ra giới hạn, nếu trong vòng 3 tháng tới mà mẹ vẫn không thay đổi, bà tiếp tục chỉ trích người khác như vậy, vợ chồng cô dứt khoát dọn ra riêng.
Theo phụ nữ TPHCM