Cô Hạnh Dung kính mến,
Cháu 16 tuổi, chị gái cháu 23 tuổi. Mẹ cháu bỏ đi cách đây 5 năm do ba cháu bạo hành, nhà bây giờ chỉ còn 3 cha con sống với nhau. Cuộc sống khá mệt mỏi vì ba cháu thường xuyên nhậu say rồi về nhà chửi bới. Mẹ cháu thuê nhà trọ, vẫn sống ở Sài Gòn và gặp gỡ, nuôi chị em cháu ăn học (chị cháu mới ra trường được 2 năm).
Gần đây, mẹ cháu có bạn trai. Trong một lần hẹn nhau đi ăn, mẹ đi với chú ấy, chị gái cháu đã bỏ về. Sau đó, chị “khủng bố” tin nhắn, nói mẹ phản bội ba và các con. Thực tế là mẹ đã đòi ly hôn từ lâu nhưng chỉ mới đây, ba mẹ mới làm xong thủ tục ly hôn. Chị vẫn không chấp nhận. Mẹ nói bất kỳ điều gì cũng bị chị quy về tội “ham hố yêu đương, bỏ rơi con cái”.
Ban đầu mẹ cũng xuống nước giải thích. Nhưng khi chị không lắng nghe, mẹ lại quay sang buồn giận, trách chị bất hiếu; rằng mẹ đã khốn khổ nhiều năm, sống không bằng chết, nhưng con cái lại không hiểu cho. Bây giờ mẹ có chút niềm vui thì cũng bị đay nghiến…
Cháu thật khổ tâm. Theo phe chị cũng không được mà theo mẹ cũng không xong. Những cuộc gặp của 3 mẹ con nay cũng không còn, thay vào đó là những lời nhắn nhủ nặng nề của mẹ và chị thông qua cháu. Cháu nên làm gì đây?
Phương Quỳnh (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Phương Quỳnh mến,
Cháu là một cô bé hiểu chuyện. Hạnh Dung tin cháu sẽ đủ bản lĩnh và yêu thương để vượt qua và hóa giải chuyện này. Trước mắt, cần gạt bỏ áp lực phải khiến mọi chuyện trở lại như xưa.
Cháu không cần phải gấp rút hòa giải giữa chị và mẹ - những người đều đang tổn thương và những hờn trách riêng nhắm vào người kia. Vậy nên tác động trực tiếp từ một người thứ ba như cháu sẽ không có tác dụng, mà để họ đối thoại với nhau thì càng khó.
Cháu hãy tập trung vào mối quan hệ của cháu với từng người, việc này vừa giúp cháu giải tỏa niềm trắc ẩn của mình và về lâu dài, có thể khiến cả chị lẫn mẹ bình tĩnh hơn, nhẹ lòng hơn, để có thể hiểu người kia.
Hạnh Dung tin cháu sẽ làm việc này dễ dàng, như trước nay cháu vẫn làm. Hãy giao tiếp với mẹ và chị đúng như cách mà cháu hiểu về họ. Mẹ cháu đã chịu nhiều đau khổ, bây giờ mẹ có một người để bầu bạn, đó là điều đáng mừng.
Ai cũng cần có người bầu bạn bên cạnh những gắn kết gia đình. Nếu may mắn, mẹ đã được bầu bạn với ba cháu. Nhưng vì hoàn cảnh mà mẹ phải có bạn trai khác, nhất là khi đã hoàn tất thủ tục ly hôn với ba cháu thì đó cũng là điều đáng được ủng hộ. Tình cảm đó không mâu thuẫn với tình mẫu tử. Vậy nên, không nên bắt mẹ vì các con mà hy sinh tình cảm và niềm vui riêng tư của mình.
Hiểu được như vậy, cháu sẽ tự tin kết nối và chia sẻ cùng mẹ. Dù hờn trách, nhưng có lẽ mẹ cũng bối rối và tổn thương trước phản ứng của con gái lớn. Cháu có thể ở cạnh và bày tỏ sự thấu hiểu của cháu với mẹ.
Với chị gái cũng vậy. Tâm lý của chị ấy rất dễ hiểu. Cảm giác bị chia sớt tình cảm khi mẹ có bạn trai là rất phổ biến. Nhưng khi nhận thấy mẹ “vẫn vậy”, vẫn yêu thương các con, chị ấy sẽ dần cảm nhận được và điềm tĩnh hơn, dễ chấp nhận hơn. Nhưng cháu cần nhớ rằng chị đang trong giai đoạn phản ứng, chối bỏ. Hiểu được vậy thì dù chị có phản ứng gay gắt thế nào, cháu cũng sẽ hiểu và đỡ “đau đầu” hơn.
Cháu hãy sống đúng với tình cảm và sự thấu hiểu của mình với từng người và đừng đòi hỏi người đó phải hiểu chuyện, thông cảm cho người kia giống như mình. Khi cháu hiện diện đầy thiện lành như thế, cháu cũng bù đắp được những tổn thương mà chị và mẹ đang chịu. Sự thấu hiểu và cách cháu thực hành sự thấu hiểu đó sẽ dần khiến mọi thứ nhẹ nhàng, lòng của mẹ và chị cũng dần nhẹ nhàng hơn. Dần dần, mọi thứ sẽ êm.
Đôi khi cách để hòa giải một mối quan hệ là… không làm gì cả - không cố tạo ra một kết nối khiên cưỡng mà cứ sống thật lòng, hết mình bày tỏ với từng bên. Sự trung dung và thấu cảm nơi cháu sẽ giúp cân bằng mọi thứ.
Theo phụ nữ TPHCM