Hì hụi gần hết buổi sáng, tôi cũng làm xong món cháo trai. Mồ hôi ướt sũng vạt áo sau lưng, nhìn nồi cháo sánh quyện, thơm phức trước mặt, mắt tôi cay xè vì… nhớ.

Tôi nhớ bố, người đàn ông quanh năm lam lũ, chân tay chai sạn, đội nắng dầm mưa đi mò trai, bắt ếch bán lấy tiền nuôi chị em tôi ăn học. Nhà nghèo lại những năm đứa con, cái đói luôn bủa vây cuộc sống của gia đình. Ngoài công việc đồng áng, bố luôn tận dụng thời gian để lùng sục quanh các con sông, con lạch gần nhà kiếm sống.

Mùa nắng, khi chị em tôi còn ngon giấc, bố đã ra sông bắt trai, câu lươn. Ngày mưa, bố cầm đèn đi soi ếch. Khi bố về quần áo ướt nhẹp, bố đổ những thứ kiếm được ra xô để mẹ mang ra chợ bán lấy tiền trang trải chi tiêu cần thiết trong nhà. 

Tôi rất thích ăn trai sông. Mỗi lần bắt được mớ trai ngon, bố thường bảo mẹ: “Để lại nấu canh, nấu cháo cho con ăn”. Trai mẹ nấu cháo hay nấu canh dọc mùng, rau tập tàng đều rất ngon. Nhiều bữa, cả nhà chỉ có nồi canh trai và bát cà muối, vậy mà đánh bay cả nồi cơm to đùng. 

Đoạn sông trước nhà tôi vốn rất nhiều trai, nhưng bắt mãi rồi cũng ít dần. Bố phải đi ra chỗ xa hơn. Ở đó, nước sâu, bố phải ngụp lặn mới mò được trai. Có hôm bố về mắt mũi ướt nhèm, người thấm mệt vì ngâm trong nước lâu dưới nắng nóng gay gắt nhưng khuôn mặt rám nắng của ông ánh lên niềm vui vì mò được cả một xô trai. Mẹ mang ra chợ bán được giá. Bữa cơm vẫn rau nhút đạm bạc nhưng rôm rả.

Hôm sau, người chưa khỏe hẳn, bố lại đi mò trai. Mẹ can nhưng bố không nghe. Tối đó, mẹ nấu nồi canh ngao với rau tập tàng hái ngoài vườn thơm ngọt. Tôi chơi đùa cả buổi chiều, về háo nước nên húp sì sụp rồi ngước lên bảo bố: “Mai bố lại đi bắt trai nữa nhé!”.

Mẹ nhìn tôi định nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Sáng ra, tôi thấy bố đi nhúc nhắc, hỏi bố thì bố bảo: “Tối qua, bố sơ ý vấp phải cục đá ngoài giếng”. Rồi hai hôm liền, tôi không thấy bố ra sông.

Buổi tối, tôi thấy mẹ bôi cái thuốc gì màu đỏ đỏ lên chân bố. Khuôn mặt mẹ lo lắng: vết cắt hiểm thế này không khéo lại nhiễm trùng mất thôi! Đến lúc đó, tôi mới biết lúc đang mò trai, bố bị mảnh sành dưới bùn cắm vào chân. Vết cắt sâu hoắm, nhưng bố cố chịu đựng, không một lời kêu ca. Cô con gái vốn nhút nhát, sợ máu, sợ đỉa, sợ đủ thứ như tôi đã học được ở bố sự bình tĩnh, mạnh mẽ. 

Ngày đó, nhà tôi kế bên nhà cô Huệ. Chồng cô Huệ mất khi cô đang mang bầu. Mẹ tôi thương cô nên thường qua lại thăm nom. Cô Huệ cũng hay sang chuyện trò với mẹ tôi. Đàn gà nhà tôi vài lần vượt rào sang sân nhà cô Huệ mổ thóc. Cô Huệ nhắc mẹ tôi nhốt lại hoặc rào vườn cho kín, nhưng mẹ tôi chưa kịp làm thì hôm sau ba bốn con gà nhà tôi lăn ra chết. Mẹ tôi xót đàn gà và tức điên nên đổ tội cô Huệ cho gà ăn thuốc độc, can mãi mẹ mới chịu vào nhưng nỗi ấm ức đã “ghi sổ”. Mẹ cho rằng cô Huệ có dan díu với bố tôi còn cô Huệ cứ khăng khăng là mẹ tôi đặt điều vu oan. 

Khi ấy, bố tôi không có nhà. Lúc về biết chuyện, cả tuần, bố không nói chuyện với mẹ. Mẹ và cô Huệ “từ mặt” nhau từ dạo ấy. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thế rồi một ngày, cô Huệ xuất hiện như một vị anh hùng. Cô lao vào cứu tôi khi tôi đang loay hoay với hai cái bánh xe đạp kẹt giữa đường ray và tàu hỏa lù lù trước mặt. Vì cứu tôi, cô Huệ bị tàu va gãy một bên tay. Khi mẹ đưa tôi sang nhà cô Huệ cảm ơn, thấy tay cô bó bột, mẹ sụt sùi khóc. Cô Huệ chỉ nhẹ nhàng: “Có vài việc chị vẫn hiểu sai về em. Nhưng nếu chị nhìn thấy con em trong hoàn cảnh đó, em tin chị cũng làm vậy thôi. Cũng giống như anh Hùng nhà chị trước đây thi thoảng có cho mẹ con em ít trai để nấu cháo chỉ vì thằng bé nhà em hồi nhỏ hay ra mồ hôi trộm…”.

Nỗi nghi ngờ trong lòng mẹ tôi được hóa giải. Hôm đó, từ nhà cô Huệ về, mắt mẹ đỏ hoe.

Bao năm trôi qua, bố tôi đã khuất núi, mẹ tôi đã theo chúng tôi lên thành phố. Thi thoảng, nhà tôi vẫn nhận được những “món quà đặc biệt” trong đó có cả những trái bắp nếp, mớ cá, mớ trai sông tươi ngon… mà cô Huệ gửi từ quê lên. Cũng như tôi, mắt mẹ lại rưng rưng.

Thế mới biết có những kỷ niệm, những xúc cảm yêu thương đã đóng dày trong ký ức, vết bụi thời gian đâu dễ xóa nhòa. 

Theo phunuonline.com.vn