Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, khu phố nơi tôi ở phong tỏa vì có ca dương tính với COVID-19. Biết tin, mẹ gửi từ Huế vào một thùng đồ ăn.

Mở ra, những phần thịt, cá, tôm, mực được mẹ làm sạch, cẩn thận chia thành từng gói nhỏ. Rau củ quả, hành ngò, gừng, chanh, ớt... mẹ mua từ chợ quê, gói ghém cẩn thận đủ để gia đình nhỏ chúng tôi dùng cả tháng.

27 năm trước, sau khi mẹ ruột tôi mất vì một cơn bạo bệnh, là chị cả của bốn đứa em nhỏ, tôi cũng chỉ mới 12 tuổi nên rất lúng túng trong việc chăm lo cho các em. Mỗi ngày, ba tôi phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Chúng tôi ở nhà tự chăm nhau. Có những lúc quá ngặt nghèo, ba phải chia con ra gửi mỗi đứa một nơi, nương nhờ cô dì chú bác. 

Một ngày, mẹ đến với ba. Năm đứa nhỏ nheo nhóc có thêm một người mẹ đỡ đần, dạy dỗ. Ba tôi có người ra vào sẻ chia, chăm sóc. Gia đình ấm lại tiếng cười. Giờ nhớ lại vẫn như một phép màu. 

Tác giả và người mẹ thứ hai
Tác giả và người mẹ thứ hai

Ngày đầu tiên đến với chúng tôi, mẹ đã nấu một bữa cơm thật thịnh soạn. Sau gần ba năm hiu hắt kể từ ngày mẹ ruột ra đi, hôm đó, chúng tôi được một bữa nhiều món ngon. Người phụ nữ đó còn mang đến cho chúng tôi những bộ quần áo mới, rồi dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng.

Sau bữa ăn, ba kêu chị em tôi lại, nói từ nay hãy gọi người đó là mẹ. Chúng tôi còn nhỏ chưa hiểu biết gì lắm, lí nhí dạ rồi tản đi. 

Dẫu đến với ba bằng tình yêu và lòng thương những đứa trẻ côi cút (vì mẹ không có con), mẹ vẫn bị người đời nghi ngờ. Không ít bà con, chòm xóm ái ngại, kêu chúng tôi lại nhắc chuyện “mấy đời bánh đúc có xương”. Họ tỏ ra thương xót, bảo: “Dì ghẻ mày dữ lắm! Không biết sau này tụi bây sẽ ra sao...”. 

Chắc đoán chừng, nếu để chị em tôi ở lại nơi xóm nhỏ toàn những người quen, rồi lời ra tiếng vào, mẹ sẽ khó lòng dạy dỗ, chưa kể vùng đất đó lại khó làm ăn, trẻ nhỏ ít được đi học đến nơi đến chốn, nên chỉ sau vài hôm, mẹ đưa chúng tôi đến vùng kinh tế mới. Bà đã cùng ba nuôi dạy đàn con, gầy dựng cuộc sống gia đình. 

Đúng như một số người quen biết ở quê cũ tôi từng nói, mẹ kế tôi không hiền. Nhưng đến giờ, tôi luôn biết ơn vì điều đó.

Nếu hiền, chắc mẹ sẽ không dám chủ động bàn với ba đưa chúng tôi đi xa lập nghiệp, tìm nơi gần trường học để các con có tương lai.

Nếu hiền, mẹ làm sao có thể kiếm được tiền để nuôi sống mấy chị em tôi trong những ngày đầu lên vùng Tây Nguyên heo hút, khi ba tôi phát rẫy trồng cà phê mấy năm sau mới có thu hoạch. Nếu hiền, mẹ đâu dám chọn nghề bán cá để nuôi lớn chúng tôi.

Tôi nhớ mình từng sợ hãi khi đứng núp ở góc chợ, nhìn mẹ tranh cãi với đối thủ làm ăn gian dối, từng run rẩy khi thấy mẹ đôi co với bạn hàng bất tín giữa chợ.

Đám cưới cô con gái út, mẹ đứng bên cô dâu
Đám cưới cô con gái út, mẹ đứng bên cô dâu

Cho đến khi tôi đủ lớn khôn để hiểu, việc bán mua kiếm đồng lời giữa chợ không phải cứ hiền lành chịu đựng là yên ổn. Bởi nếu mẹ hiền với người cần tranh đấu, mẹ chẳng thể nào nuôi dạy chúng tôi tử tế như đã từng. Nếu thoái lui trước việc buôn bán, mẹ sao lo đủ cho những đứa con dại khờ, đang tuổi ăn tuổi học.

Rồi những khó khăn ban đầu cũng qua, việc buôn bán dần ổn định, phát triển. Mẹ cũng đỡ cực hơn. Tôi vừa đi học một buổi vừa lo việc nhà và thi thoảng phụ mẹ bán cá ở chợ. Chị em tôi đều được ba mẹ lo chu toàn. Giờ mỗi người đều đã có gia đình, có công việc và thu nhập ổn định. 

Con cái chúng tôi lần lượt ra đời, lại nghe chúng tôi kể câu chuyện về “bà ngoại đặc biệt” của chúng. Mẹ trở về Huế sinh sống. Mỗi lần về quê, đám trẻ tíu tít gọi bà ngoại. Mẹ tôi lại lúi húi chuẩn bị quà trái cho các cháu ăn uống rồi cả mang đi…

Tôi viết lại câu chuyện gia đình mình, để nhiều người tránh định kiến về hình ảnh người mẹ kế, dù thực tế mẹ tôi không hiền, mẹ đã rất nghiêm khắc để dạy dỗ chúng tôi. Nếu lười biếng và trái lời, chúng tôi sẽ bị xử phạt, nhưng chúng tôi sợ mà vẫn rất phục vì tất cả những kỷ luật của mẹ đều xuất phát từ tình thương. 

Tôi luôn thấy mình may mắn vì có mẹ và cũng tự tin khẳng định rằng: Bánh đúc vẫn có xương, mẹ kế vẫn thương con chồng. 

Theo phunuonline.com.vn