leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Cô kể, mẹ cô mất sớm, khi cô và em trai mới đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi. Một năm sau, bố lấy dì ruột của cô với mong muốn dì sẽ thay mẹ yêu thương, chăm sóc hai chị em chu đáo, khỏi lo cảnh "mẹ ghẻ con chồng". Dì chính là người uốn nắn những nét chữ đầu tiên cho cô, vất vả chăm sóc em trai. Ba dì cháu vẫn ríu rít, thân thiết với nhau như khi mẹ cô còn sống. Cũng chính vì đã quen với cách xưng hô dì-cháu mà đến giờ chị em cô vẫn gọi tiếng "dì" như thuở nào.

Nhưng 3 năm sau, khi dì sinh con thì dường như mọi thứ đã khác. Hai chị em cô đón nhận em bé rất thân tình, hữu hảo. Năm đó, cô mới học lớp 3 mà đã bế em rất khéo, biết ra ao giặt tã cho em, thỉnh thoảng còn thay dì cho em ăn bột. Còn em trai vừa vào lớp Một, yêu cái cặp sách, cái túi đựng bút là thế mà vẫn cho em nghịch chơi, còn biết dỗ em ngủ. Vậy mà dì vẫn mắng 2 đứa khi nghe tiếng em khóc. Nếu chẳng may em bị ngã, cả 2 đứa đều bị đánh đòn. 

Đến lúc em lớn hơn thì sự phân biệt đối xử của dì càng rõ. Mọi việc vườn tược, cơm nước, giặt giũ đều do chị em cô đảm nhiệm, em út không phải làm gì. Nhưng lúc đó chị em cô coi việc đó là bình thường. Chỉ đến khi em lấy chồng, nhìn giọt nước mắt của dì, nhìn những món đồ dì chuẩn bị cho em, chị em cô thật sự thèm cảm giác có người mẹ quan tâm, lo lắng làm sao.

Gia đình chồng của em gái chỉ cách nhà cô gần 2 cây số nhưng đi làm ăn xa. Sau khi cưới, em theo chồng về Tuyên Quang. Ở nhà, mọi việc sửa sang nhà cửa, chăm sóc dì ốm đi viện đều do chị em cô gánh vác. Vậy mà khi bán mảnh đất đầu ngõ, dì lại dành phần lớn cho em lấy vốn làm ăn, không ngó ngàng gì đến mong muốn mở sạp hoa quả hay xưởng làm bánh của chị em cô. 

Đỉnh điểm là khi bố và dì quyết định bán mảnh vườn ngày xưa ông bà ngoại cho mẹ cô để làm nhà, không cho chị em cô một chút nào. Năm ngoái, tình hình làm ăn của gia đình chồng em gái gặp khó khăn, cả nhà kéo nhau về quê. Bố với dì quyết định cắt đôi mảnh đất dành cho 3 đứa, cho em gái làm nhà ở nửa ngoài mặt đường, nửa bên trong vẫn chưa cho hai chị em cô. Nhà có việc, em gái vẫn chẳng phải làm gì mà cứ có chục trứng gà đẻ, con cá to dưới ao, dì đều dành phần em. Hôm dì phải mổ ruột thừa, dì nhất định không cho em ngủ lại trông dì vì sợ hôm sau em đi làm mệt.

Trong khi đó, việc gì chị em cô làm cũng không vừa mắt dì, dì cứ cằn nhằn suốt ngày. Như chuyện hôm nay, dì gọi cả vợ chồng hai chị em cô đến mắng không để ý trông con chó cho dì. Chả là bố với dì đi đám cưới con của người bạn ở tỉnh xa, sau 3 hôm về nhà thì không thấy con chó đâu. Nhà em gái gần nhà dì nhất mà dì chẳng trách cứ, chị em cô ở cách mấy xóm thì dì lại nói đổng.

Thanh Tâm cảm thông với nỗi tủi thân của chị em cô nhưng cũng thấy chị em cô đủ lớn để nhìn nhận mọi việc và nhẫn nhịn với dì, chăm sóc dì hết sức, hết lòng. Thanh Tâm mong chị em cô thấy mãn nguyện vì mình đã lớn lên mạnh khoẻ, đã có gia đình nhỏ vững chắc của mình. Vấn đề lớn nhất trong những mâu thuẫn này chính là việc bố với dì không giúp đỡ kinh tế cho chị em cô khi thực sự cần, không cho những phần đương nhiên thuộc về chị em cô. Việc này chỉ có thể giải quyết khi cả nhà ngồi lại với nhau, chị em cô đề đạt nguyện vọng của mình kèm theo những bằng chứng xác đáng để bố với dì cũng thấy thoả đáng.

Thanh Tâm