Các bác, các cậu đều có công việc ổn định, người làm đồn trưởng đồn biên phòng, người làm giám đốc trạm khí tượng, còn chị gái của mẹ làm cô giáo nay đã về hưu. Mẹ luôn muốn con cái sau này cũng làm cán bộ như các cậu bên ngoại, còn bên nội tôi thì mẹ có vẻ hơi khinh thường.

Sau khi bố mất, mẹ một mình gánh vác việc nhà, không muốn hai con làm việc chân tay nặng nhọc vì bà sợ các con chểnh mảng việc học, kể cả việc giao du với bạn bè trong xóm cũng rất khắt khe.

Mẹ tôi có câu cửa miệng: "Nhà mình không giống nhà người ta, nhà người ta là cán bộ"; làng tôi có trên 50 hộ mà mẹ chỉ nhăm nhăm so sánh với hai nhà có người làm trong cơ quan nhà nước, giáo viên. Có lúc tôi chở đứa bạn bằng xe đạp tới trường, mẹ lại nói: "Mày không được giao du với thằng kia, hỏng người. Không nhìn thấy mẹ mày nhục à".

Mẹ tôi sống khổ quá, cả làng ai gặp cũng cảm thán vài câu vì nhà tôi toàn vào nhà trễ hơn người ta, trưa thì 1-2h mới vào, tối thì 7-8h, có khi phải mang bánh ra ăn ở bờ ruộng dù không nhất thiết phải như thế.

Bên nhà ngoại khuyên hết lời nhưng đâu lại vào đấy, có thể nói, không ai khuyên được mẹ. Mẹ hay so sánh chuyện nhà mình với nhà người khác, thấy con người ta lấy chồng làm chỗ nọ chỗ kia là y như rằng bắt chị tôi phải lấy một người tầm đấy. "Kén cá chọn canh" qua chục lần mai mối, chị tôi 30 tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Giờ mẹ chỉ mong con gái lập gia đình để có cháu bế, ngoài miệng nói chọn ai cũng được nhưng sau lưng lại đi hỏi gia cảnh người ta, không vừa ý là bảo con gái bỏ luôn.

Mẹ biết tôi đi làm xa chỉ những khi có việc mới gọi, đa số bà đều tâm sự với chị gái, rồi lại cãi nhau chuyện khi nào lấy chồng. Chị tôi làm in ấn ở ngoài thành phố, làm công cho người ta, chủ nuôi ăn ở, lương khoảng 4-5 triệu đồng một tháng, làm ở đấy từ lúc tôi đi học đại học cho tới giờ luôn. Có vẻ chị không muốn rời công việc đó. Chị nói tôi lấy vợ đi, có một người lập gia đình thì mẹ đỡ cằn nhằn. Mấy năm gần đây tôi thấy chị bắt đầu cáu kỉnh, nhiễm thói so sánh của mẹ rồi bảo tôi: "Mày thì làm được gì? Thằng kia nhỏ tuổi nhưng từng trải hơn mày nhiều", "Nhà có thằng con trai chẳng được tích sự gì", "Ừ mày thì giỏi rồi, kiếm ra tiền rồi thì quên cả mẹ chứ gì? Lễ tết ăn thịt vịt không hỏi được mẹ câu nào", "Nói chuyện với mày thà nói với cái đầu gối còn hơn".

Tôi nhạy cảm, hay trầm tư giống mẹ, ai nói câu gì động chạm là cả ngày nghĩ về nó. Thú thực tôi ở dưới thành phố có sung sướng gì đâu, có dạo chỉ ăn 10 nghìn đồng một tô bún ngoài chợ sống qua ngày. Nhiều lúc tôi đi làm công nhân xin tăng ca chỉ vì để ăn thêm bữa tối, hay như mùa đông hai năm trước tôi ngủ nền gạch lót bìa carton. Đến tết về gầy nhom mà tôi vẫn cố tỏ ra mình ổn, cho hai người tiền tiêu tết.

Công việc hiện giờ của tôi tạm ổn, đủ tiền sinh hoạt và gửi về quê cho mẹ với chị một chút. Tôi nhiều lần nói với mẹ rằng tôi vốn không giỏi giang như mẹ nghĩ, thế nhưng mẹ không chấp nhận sự thật đó. Nửa năm tôi mới về quê một lần, câu đầu tiên nghe được khi bước vào cổng: "Ủa, ăn mặc như vậy thôi à"? Vẻ mặt ngơ ngác khi ấy của mẹ có lẽ đang nghĩ tôi phải mặc vest, sơ mi đóng thùng, đeo cà vạt như mấy chủ tịch tập đoàn trong phim. Tôi thấy mệt mỏi quá, khả năng của mình tới đâu tôi biết chứ, mặc mấy đồ kia tự thẹn với bản thân.

Mấy cái tết năm nay tôi có cảm tưởng mình như người vô hình, mẹ và chị gái tự nói chuyện với nhau, tôi im lặng ngồi ngoài sân ngắm cây cỏ, rừng núi, chờ cho qua ngày. Nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao mình lại ở đây. Căn nhà này sao lạ lẫm quá!

Theo vnexpress