Cô Hạnh Dung kính mến,
Năm nay con 9 tuổi. Cô ơi, có nhiều thứ con rất thích, nhưng khi con cầm nó thì mẹ luôn bắt con phải cho em mượn. Ví dụ như cây sáo của con đang dùng để học, mẹ cũng bắt phải cho em mượn.
Con thấy không vui và lo lắng. Vì con nghe rất nhiều bạn có em cùng tuổi em con, cũng muốn đồ chơi của các bạn và hay làm mất của các bạn. Con phải làm sao hả cô?
Bé Nguyễn Tuệ Nghi thân mến,
Thật là một bất ngờ cho cô khi nhận được lá thư ngắn này của con. Chưa bao giờ cô nghĩ rằng Chat với Hạnh Dung lại có một độc giả nhỏ tuổi đến như vậy quan tâm, theo dõi và đặt câu hỏi.
Hơn thế nữa, dù rất ngắn, nhưng bức thư của con viết gãy gọn, dễ hiểu và hoàn toàn không sai một lỗi chính tả nào, cũng là điều khiến cô thấy vui vẻ. Chính vì thế, cô lập tức "ưu tiên" trả lời thư của con trước, dù hiện tại cô còn vài thư của bạn đọc gửi đến trước con luôn này.
Câu hỏi của con làm cô nhớ đến kỷ niệm tuổi thơ của mình: Cô đã từng bị mẹ bắt ép phải cho một bạn hàng xóm một món đồ mà cô rất thích. Đó là cây bút mà một người bạn đã tặng cho cô.
Khi đó, cô chưa hiểu rằng mẹ cô cũng rất khó xử, nhưng vì không muốn làm mất tình hàng xóm, nên mẹ đã xử ép với cô, vì nghĩ cô là con, cô phải nghe lời mẹ.
Thế nhưng điều đó đã khiến cô rất tức giận và cô phản kháng hết sức quyết liệt. Bởi đó là món quà của người khác tặng cô, và chính cô cũng rất thích nó. Cho đến bây giờ, khi tuổi của cô đã hơn tuổi của mẹ cô ngày đó, cô vẫn còn nhớ mãi câu chuyện này.
Tuổi tác cho cô sự già dặn để phân tích và thấu hiểu. Cô vẫn hiểu rằng ngày đó cô không hề sai. Nhưng cô cũng thông cảm với những suy nghĩ và quyết định của mẹ, dù cô tin rằng mẹ có thể làm khác, thay vì xử ép cô như vậy.
Trở lại với chuyện của con, còn dễ hiểu và dễ thông cảm với mẹ hơn, vì mẹ muốn con đưa món đồ chơi của mình cho em gái ruột. Mẹ con chắc chắn là muốn con học được bài học đầu tiên: sự chia sẻ của hai chị em gái, sự nhường nhịn hy sinh của người chị dành cho em mình.
Đây là điều hết sức quan trọng cho tình nghĩa chị em về sau này, trong cuộc sống, con ạ. Bởi vì các con sẽ còn song hành cùng nhau suốt đời. Các con là chỗ nương tựa của nhau. Các con sẽ luôn cần có sự giúp đỡ của nhau ngay cả khi lớn lên, trưởng thành, mỗi người tạo dựng một gia đình nhỏ cho riêng mình...
Tuy nhiên, khi dạy con những bài học đầu tiên đó, mẹ con quên mất rằng, cũng cần phải tôn trọng và thấu hiểu cảm giác của con. Bởi con là chủ nhân của món đồ con yêu thích, và con lo lắng, bảo vệ cho nó. Con sợ nó rơi vào tay của một người chưa biết quý trọng nó, và có thể làm mất nó.
Con hãy nói với mẹ rõ ràng điều này, rằng con rất sẵn sàng chia sẻ với em, nếu con biết rằng em không làm hư hỏng hay làm mất món đồ của con như em của các bạn khác. Rằng mẹ có thể tin tưởng vào sự gìn giữ món đồ của em con hay không? Mẹ có làm cách nào để em con cũng hiểu được điều đó hay không?
Bên cạnh đó, con hãy đề xuất giải pháp rằng con không đưa món đồ cho em một cách đơn giản, mà sẽ cùng em chơi nó, con sẽ hướng dẫn em cách chơi, cách giữ gìn và tinh thần trách nhiệm của em khi cầm món đồ của người khác.
Hãy nói với mẹ là con sẽ yên tâm hơn khi cùng em sử dụng món đồ mà con yêu thích, và thu về khi em đã chơi xong. Để hai chị em có thể cùng nhau chơi tiếp vào những lần khác.
Căn cứ vào sự chững chạc của bức thư con gửi cho cô, cô nghĩ là con có đủ khả năng thuyết phục mẹ một cách bình tĩnh, để mẹ hiểu rằng con cũng sẵn sàng chia sẻ với em, nhưng phải có một cách để em biết chơi đúng và biết cảm nhận được trách nhiệm của mình với bất cứ món đồ chơi nào, dù là của mình hay của người khác.
Mong rằng mẹ sẽ hiểu con hơn, và chị em con sẽ có những giây phút vui vẻ khi chơi cùng nhau, để em cảm nhận được mình có người chị thương yêu chăm sóc và quan tâm mình đến thế nào.
Theo phụ nữ TPHCM