Một tháng trước tết, tôi bắt đầu căng thẳng với bao lo toan và áp lực. Công việc bận rộn, việc nhà tứ tung, các mối quan hệ nội ngoại, bạn bè, xã giao… chỉ thoáng nghe thấy từ "tết" thôi là những áp lực chồng chất từ bao năm qua ùa về, khiến tôi chán nản và mệt mỏi.
Tôi cứ thế mang tâm trạng ấy từ chỗ làm về nhà, dai dẳng trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ. "Deadline" công việc dồn dập đấy, nhưng tôi không thể tập trung hoàn thành được cái nào trọn vẹn, bởi còn bận lo chuyện tết nhất. Càng không hoàn thành công việc, tôi lại càng cảm thấy bản thân mình kém cỏi, tệ hại và cảm xúc tiêu cực thi nhau kéo đến.
|
(Ảnh minh họa) |
Những bữa cơm nhà buổi tối cũng vì thế mà thay đổi. Dường như những lo lắng của tôi đã nhuốm màu u ám vào từng món ăn, thậm chí nhuốm cả không gian sống gia đình. Áp lực mà tôi đang chịu đựng, hóa ra cũng lan tỏa ra khắp căn nhà và tất cả các thành viên đều "được hưởng".
Hôm ấy, công ty tôi vừa thông báo: Vì tình hình hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên năm nay cán bộ nhân viên không có thưởng tết. Tết nhất nhiều thứ cần lo toan, tôi lên kế hoạch chi tiêu cụ thể theo rất nhiều hướng tính toán, xoay đủ kiểu cũng chưa đủ. Ấy vậy mà cái thông báo lại cho biết sẽ thiếu hụt thêm. Sự việc này khiến vợ chồng tôi lo lắng vì không biết xoay xở ra sao cho một cái tết có “bánh chưng nhân thịt”.
Bữa tối trở nên nặng nề. Khi các con tươi cười ríu rít kể chuyện nọ, chuyện kia, tôi không kiềm được, đã quát tháo ầm ĩ: "Im đi! Có gì hay ho đâu mà kể lể. Tết đến nơi rồi đây này!".
Tôi hét toáng, rồi vùng vằng đá thúng đụng niêu. Đêm hôm đó, tôi vẫn trò chuyện với con trước khi đi ngủ như thường lệ. Sau khi nghe đọc sách và kể chuyện đêm khuya, con gái tôi rón rén bảo mẹ: "Mẹ ơi, tết mang nỗi buồn đến hả mẹ?".
Tôi giật mình trước câu hỏi đó của con. Câu hỏi tưởng chừng như giản đơn ấy làm tôi thao thức.
Nhìn các con say ngủ, tôi nhớ lại những ngày tết thời thơ ấu. Hồi ấy, tôi cũng hồn nhiên như hai em bé của tôi, háo hức chờ đến tết để được nghỉ học, về nhà ông bà cùng gói bánh chưng, đi thăm hỏi họ hàng, nhận được lì xì và nhiều kẹo bánh. Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm, cuộc sống thường ngày vốn ăn bữa nay lo bữa mai. Thế nên ai ai cũng mong chờ tết bởi đó là những ngày sum họp, đủ đầy về vật chất lẫn tinh thần.
Tự bao giờ, ngày tết trong tôi bỗng trở thành nỗi lo toan vật chất như vậy?
Tết là ngày lễ cổ truyền đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tết là dịp chúng ta bên nhau và cùng chào đón những khởi đầu mới tốt đẹp. Những thủ tục lễ lạt, những món quà biếu xén, những lời thăm hỏi xã giao... - những thứ này đã khiến tôi quên mất ý nghĩa quan trọng nhất của ngày tết - chính là niềm vui đoàn viên.
Tôi trò chuyện cùng chồng về những suy nghĩ của mình. Khó khăn kinh tế và những lễ nghi xã giao liệu có thực sự là trở ngại cho một cái tết ấm êm? Dĩ nhiên là không.
Quà biếu hai bên nội ngoại có thể ít đi một chút, quan hệ xã giao có thể bớt lại nhiều chút, vật chất ít đi, nhưng sự quan tâm và tấm lòng chân thật vẫn luôn đủ đầy. Tôi nghĩ đó mới chính là ngày tết trọn vẹn, là ngày lễ đáng được đợi mong và trân trọng từ thâm tâm mỗi người.
Hôm nay, tôi đã có thể mỉm cười và tự tin trả lời con gái: "Mẹ đã nhận ra là tết mang đến niềm vui và ấm áp con ạ. Và các con chính là tết của mẹ đấy!".
Theo phụ nữ TPHCM