Cuối tuần vừa rồi, giữa mâm cơm đông đủ cả nhà, mẹ tôi bất ngờ nói: “Sau này mấy đứa cháu nội ngoại là phải rút kinh nghiệm, đừng có lấy ai giàu hoặc nghèo hơn mình, sẽ bị họ coi thường, khi dễ”.

Ai cũng biết là mẹ cố ý nhắm vào vợ chồng anh chị Hai. Anh Hai tôi tái mặt vì giận mẹ, buông đũa đứng dậy. Chị dâu tôi hướng về mẹ chồng với cái nhìn vừa khó hiểu vừa thất vọng. Có lẽ, chị dâu buồn lắm, vì sau bao nhiêu cố gắng đối đãi của chị và gia đình chị, họ hoàn toàn không đáng nhận lại câu kết luận đầy mùi gây hấn này.

Chung quy cũng bởi mẹ tôi luôn giữ thành kiến với phía sui gia, bởi gia đình họ vừa trí thức, vừa có của ăn của để. Anh Hai tôi chỉ là một kỹ sư xây dựng bình thường, cả bề ngoài lẫn công ăn việc làm đều ở mức làng nhàng, thế nhưng, chị dâu tôi không chê, vẫn chọn anh. Gia đình chị cũng là những người thân thiện, khiêm tốn, họ rất giữ ý, chưa từng tỏ thái độ trịch thượng hay rẻ rúng gì. Vậy mà mẹ tôi thường nhìn vào mỗi hành động của họ với rất nhiều khắt khe, bắt bẻ, kiểu như “sang thì bị ghét, giàu thì bị chê”. Hầu như không có việc gì từ phía chị dâu khiến mẹ tôi hài lòng. Có lần, anh Hai tôi hỏi thẳng, lẽ nào chỉ vì sinh ra trong nhà giàu, mà con dâu bị ghét? Mẹ tôi im lặng.

Vì mẹ tôi hay đành hanh với sui gia nên dâu rể trong nhà cũng không thể yên ấm
Vì mẹ tôi hay so bì với sui gia nên dâu rể trong nhà cũng không thể yên ấm (ảnh minh họa)
 
Gia đình chồng của chị gái tôi cũng không may mắn gì hơn. Anh rể tôi là con đầu, nên mẹ anh còn khá trẻ, hiện đại, mặt hoa da phấn. Từng có lần nghe ai đấy vô tình so sánh vẻ bề ngoài giữa hai bà sui, thế là từ đó mẹ tôi đâm ra ác cảm, khó chịu. Mẹ xa gần chê bai cái sự điệu đàng của “nhà bên đấy” bằng những lời ví von khá là cay nghiệt.

Chị tôi vì muốn giữ hòa khí trong nhà, nên đành hạn chế đưa chồng con về ngoại. Mỗi lần gặp chị, là mẹ tôi lại luôn miệng hỏi thăm, xem “Bên đấy dạo này có đi sửa sang, làm đẹp gì nữa không? Già rồi mà vẫn còn nhuộm tóc, sơn móng tay, váy vủng, thật là chẳng ra sao cả…”.

Rồi cái sự “hồi trẻ không đi làm, ở nhà chồng nuôi” của bà sui cũng được mẹ tôi mang ra mổ xẻ, phân tích. Sâu xa, chúng tôi hiểu nỗi mặc cảm của mẹ, trước giờ quen đơn giản, chẳng có nhiều điều kiện để chăm sóc bản thân. Mẹ tôi cũng từng vất vả nhiều, nên không hiểu được cảnh “sung sướng, được chồng cưng chiều” của “bà sui bên ấy”. Trước những món đồ, quần áo được con cái biết ý mua tặng, mẹ tôi không quên thòng thêm cái “móc câu”: "Muốn mẹ tụi bây cũng giống như “phía bên kia” à?".

Anh chị em trong nhà nhiều khi đùa rằng, tôi là may mắn nhất, vì không bị mẹ “dòm ngó” và căng thẳng với sui gia. Ba má vợ tôi nghèo. Họ cũng không có địa vị xã hội hoặc cái gì để mẹ tôi phải “lo người ta hơn”. Có lẽ nhờ thế, mà vợ tôi thoát được “kiếp nạn” bị ghét chỉ vì cái tội “là con của ba má mình”. Nhưng sự quan tâm thái quá của mẹ tôi đối với “đứa con dâu tội nghiệp” khiến cho vợ tôi ngộp thở, lại thêm khó xử với các anh chị em trong nhà bởi những lời có cánh của mẹ tôi dành cho. Vợ tôi cũng lo sợ, một ngày nào đó mà ba má cô ấy lỡ gây ra “cái phốt” gì, hoặc phát hiện ra nhà vợ tôi có gì “chiếu trên”, thì chắc sẽ… khó sống với người mẹ chồng hay chấp nhặt với sui gia.

Nói nào ngay, mẹ tôi vốn không phải là người xấu tính hoặc chẳng biết đúng sai. Thế nhưng, từ ngày bố tôi mất, mẹ tôi dường như thay đổi, trở nên xét nét, khó ở, đặc biệt là với các gia đình sui gia. Mức độ hậm hực càng ngày càng tăng. Lẽ nào vì họ có đôi có cặp, còn mẹ tôi đơn lẻ một mình, nên thấy… chướng mắt? Anh chị em tôi đã thử vài lần tìm lý do cho cái sự không hài lòng của mẹ, cố gắng nhỏ to khuyên giải để giữ hòa khí trong nhà. Nhưng thật sự rất khó để mẹ tôi hiểu ra vấn đề thì phải.

Nay mẹ tôi hàng ngày rất siêng gọi điện “giáp vòng”, nghe ngóng tình hình, rồi đợi dịp là “phang” con dâu, con rể, khiến cho chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp. Nếu mẹ cứ mãi xem sui gia là “nhân vật phản diện”, thì hạnh phúc của con cái khó bề mà yên ổn dài lâu được.

Theo phụ nữ TPHCM