Ảnh minh họa
Từ bé tôi đã mồ côi cha. Mẹ tôi ở vậy nuôi con khôn lớn trưởng thành. Tôi biết mẹ tôi đã chịu bao vất vả để nuôi tôi khôn lớn. Từ bé tôi đã tự hứa học thật giỏi, quyết tâm đổi đời để sau này đền đáp công ơn của mẹ.
Tôi hiện nay cũng có chút thành công, đang là Giám đốc một công ty với gần trăm công nhân. Tôi cũng đã bàn với vợ là đón mẹ tôi lên ở cùng để tiện chăm sóc, vợ tôi không tỏ ra hào hứng nhưng cũng không phản đối.
Tôi có thưa chuyện với mẹ, nhưng nhiều lần mẹ nói mẹ đang còn khỏe, tự chăm sóc bản thân được, lúc nào già yếu mẹ sẽ lên ở cùng chúng tôi. Tôi thuyết phục mãi thì mẹ cũng chịu lên ở cùng, nhưng chỉ nói ở chơi với các cháu một thời gian.
Có mẹ ở cùng, tôi thấy yên tâm hẳn. Tôi cứ tưởng mọi việc sẽ êm đềm, gia đình tôi sẽ thêm hạnh phúc vì được sum họp nhưng không phải vậy. Vợ tôi từ khi có mẹ chồng lên ở, cô ấy ít cười nói hơn hẳn, nhiều khi cô ấy còn cằn nhằn vì đồ đạc trong nhà để không đúng chỗ. Mẹ tôi muốn giúp con cái việc bếp núc nhưng cô ấy nhất định không cho vì sợ “mẹ nấu các cháu ăn không quen”…
Những lúc như thế, tôi thấy mẹ buồn lắm. Tối đi ngủ, tôi cũng góp ý với vợ nên tế nhị hơn vì mẹ cũng đã già rồi, đôi khi hay quên, nhưng vợ tôi nói cô ấy mệt mỏi vì mẹ đảo lộn cuộc sống của gia đình tôi. Cô ấy làm gì cũng không thoải mái, thậm chí cô ấy thấy như ở nhờ trong ngôi nhà của mình.
Nghe vợ nói tôi vậy tôi buồn lắm, nhưng mà cũng chưa biết nên thế nào, vì cô ấy là người thành phố, từ bé đã được chiều chuộng nên cũng khó khi phải sống cùng mẹ chồng. Hơn nữa khoảng cách thế hệ nếu không thông cảm, chia sẻ được với nhau thì cũng rất khó để hòa hợp.
Tôi thương mẹ lắm vì cả đời mẹ đã hy sinh vì tôi, giờ tôi muốn báo hiếu mẹ mà thấy khó khăn quá. Một bên là mẹ, một bên là vợ, tôi biết làm thế nào?./.
Theo
VOV