3 tháng trước, sau một thời gian suy nghĩ, tôi nhắn tin lên nhóm Zalo gia đình: “Mẹ tính sửa lại nhà ông bà ngoại, mỗi đứa đóng góp 50 triệu đồng nhé”.
Tôi cứ nghĩ với điều kiện kinh tế thoải mái, các con sẽ đồng ý, nào ngờ chúng nó đồng thanh phản đối.
Cha mẹ tôi có 4 người con gái, tôi là con lớn. Cha mẹ mất đi, chị em tôi đều ở xa, người gần nhất là em gái Út cũng lấy chồng cách 30km, nên ngôi nhà của cha mẹ bỏ không, đến ngày giỗ, con cháu mới về dọn dẹp, thắp nhang, làm mâm cúng. Vì để không quá lâu nên ngôi nhà xuống cấp, mỗi lần về quê tôi lại trăn trở.
|
Sống quây quần cùng con cháu, tôi đau đáu nghĩ về cha mẹ. (hình minh họa) |
Tôi muốn cha mẹ có chỗ thờ cúng khang trang, thay vì ngôi nhà xập xệ, sắp sập. So với các em, hoàn cảnh nhà tôi khá giả hơn, các con đều được học hành đàng hoàng và thành đạt. Con gái đầu đã tốt nghiệp thạc sĩ, đang giữ chức phó phòng của một ngân hàng lớn. Con gái thứ hai kinh doanh tại nhà rất thành công. Con trai út là kỹ sư phần mềm, lương tính bằng đô la.
Nhưng khi đề nghị mỗi đứa con góp từng đó tiền để sửa lại nhà của ông bà ngoại, tôi vấp phải sự phản kháng của đàn con. Con trai tôi cho rằng việc sửa nhà mà không ai ở là lãng phí. 2 con gái than vãn dạo này kinh tế khó khăn, biết xoay đâu ra tiền để đóng góp, trong khi tôi thấy các con đều đặn đi du lịch nước ngoài, mua sắm vật dụng sang chảnh, đắt tiền.
Các con không đồng ý góp tiền, tôi định bán đi một phần đất đang ở để lấy tiền sửa sang nhà cha mẹ ở quê, chúng lại tiếp tục phản đối. Chúng nói ngôi nhà là một phần của tuổi thơ với vườn cây trái rộng rãi, bán đi rất tiếc.
Tôi bất lực trước cách cư xử của các con. Gần 20 năm chịu cảnh góa bụa, một mình chèo chống nuôi con, tôi luôn đau đáu khi nghĩ về cha mẹ. Nếu không có ông bà hỗ trợ, tôi không thể vượt qua gia đoạn khó khăn của cuộc đời. Khi cuộc sống thảnh thơi hơn thì cha mẹ không còn, tôi cũng chưa báo hiếu được ngày nào. Tôi muốn sửa sang nhà cũ để cha mẹ có chỗ ấm áp hương khói, con cháu có chỗ lui tới sau này thì các con không ủng hộ.
Các con nói: “Mẹ muốn ăn gì, sắm gì, muốn đi đâu, chúng con cũng sẵn sàng đáp ứng, nhưng bỏ ra một số tiền lớn để xây nhà không phải của mình thì không nên”. Đến lúc này, tôi biết mới biết các con phản đối do chúng tính toán chứ không phải không có tiền. Hiện tại, sổ đỏ ngôi nhà của cha mẹ được giao cho dì Út giữ, vì em tôi ở gần nhất. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, sau này hết đời chúng tôi, đứa cháu nào tiếp quản nhà để lo hương khó cho ông bà thì cháu sẽ giữ sổ đỏ. Nhưng các con tôi không nghĩ như thế.
Chúng còn phân tích: 4 chị em gái, tại sao tôi nhận phần đóng góp tới 300 triệu đồng, nửa chi phí còn lại chia đều cho 3 người? Theo các con như vậy là không công bằng. Chúng đề nghị: Muốn xây nhà thờ tự thì phải sang tên sổ đỏ cho tôi, sau này cho ai thừa kế là quyền của tôi.
|
Tôi luôn trăn trở về ngôi nhà thờ cha mẹ đến ăn không ngon, ngủ không yên (hình minh họa) |
Nếu làm như các con yêu cầu, tôi biết ăn nói thế nào với các em? Từ trước đến giờ tôi luôn nghĩ mình là chị lớn phải gánh vác việc gia đình mà không hề tính toán. Mấy tháng trôi qua, tôi vẫn chưa tìm được cách giải quyết chuyện này. Nếu tôi có đủ tiền, tôi sẽ tự quyết được, đằng này tôi phải đi xin tiền các con và chúng từ chối, nên rất đau đầu, khó xử...
Theo phụ nữ TPHCM