leftcenterrightdel
 Chồng suốt ngày nằm dài ở nhà, mặc vợ với đủ loại áp lực (ảnh minh họa: Freepik)

Chiều nay tôi lỡ lời la con: “Tụi bây lo mà học hành, không có bằng cấp, không có kỹ năng nữa lớn lên chỉ ăn không ngồi rồi như...”.

Tôi "thắng lại" kịp khi thấy chồng tôi đang ngồi rỉ rả cắn hạt hướng dương, ngắm hoàng hôn ngoài ban công. Hồi xưa, mẹ tôi thường mượn hình ảnh chú Tèo ở cuối hẻm vô công rồi nghề, say xỉn tối ngày để minh họa cho lời cảnh báo “nhỏ không lo học, nữa lớn vô dụng”. Không ngờ ngày nay, “tấm gương” vô công rồi nghề ấy không còn ở tuốt cuối hẻm mà hiện diện ngay trong nhà tôi.

Chồng tôi là người “thất nghiệp... vô ưu, vô áy náy”. Tôi từng nghe chuyện có những người đàn ông sĩ diện, trong thời gian chờ việc ngày ngày vô quán cà phê ngồi đợi hết giờ hành chính mới dám về nhà như người ta đi làm công sở. Họ sợ người thân trong đại gia đình biết mình đang thất nghiệp, còn chồng tôi được cái trung thực, tự tin, không đi làm thì mạnh dạn nằm ở nhà, không vòng vèo, dối trá.

Mới đầu, tôi thấy chồng người ta thất nghiệp vào quán cà phê trốn thấy ham, phải chi chồng mình cũng biết mắc cỡ như vậy và tích cực tìm việc. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, thôi thì chồng tôi “thuyền chìm tại bến” coi như cũng đỡ tiền ly cà phê trong lúc gia đình thắt ngặt khi một mình tôi phải kéo cỗ xe gia đình.

Nói thất nghiệp hoàn toàn cũng không chính xác lắm, vì chồng tôi từng nếm trải qua nhiều việc, nhiều vị trí, nhiều lĩnh vực. Bảo vệ cũng có, công nhân da giày cũng tiếp cận, mà bán quần áo thời trang cũng từng. Ở đâu chồng tôi cũng làm ba lần bảy hăm mốt ngày là “bế mạc”.

Theo lời anh thì vào làm ở đâu anh cũng gặp chủ quá quắt, không biết thông cảm bỏ qua, khi chồng liên lục xử lý công việc bị nhầm hay lướt mạng đến khuya ngủ muộn, vô làm trễ. Chồng tôi nói: “Thôi khó quá bỏ qua. Mai mốt kiếm chỗ nào khác ngon hơn!”.

Lông bông tới 38 tuổi thì chồng chính thức “nghỉ hưu”, tôi chính thức có thêm đứa con bên cạnh 2 “đứa con lớn”. Không tạo ra thu nhập đã đành, chồng cũng không muốn phụ giúp việc nhà, đưa đón con đi học. Vui thì làm, thấy oải oải trong người là anh lăn ra ngủ, mặc tình sự đời vạn biến.

Có lần tôi tăng ca, giao chồng đón con, nhưng chồng đi nhậu, chém gió với bạn quên giờ đón. Tôi tan ca khi phố đã lên đèn, về nhà không thấy ai, gọi chồng chỉ nghe "ò í e", tôi chạy như ma đuổi tới trường, thấy con mếu máo đứng cổng trường ngóng.

leftcenterrightdel
 Tổ ấm chỉ vững vàng, yên vui khi vợ chồng góp sức xây dựng (ảnh minh họa: Freepik)

Có chồng nằm dài ở nhà được cái... nhà cửa luôn êm ấm. Bởi người vợ như tôi làm gì dám la lối, trách cứ để chạm tự ái chồng. Muốn bày tỏ gì cũng luôn phải nát óc lựa lời để né “cái tôi” như cái bồ lúa. Rồi tôi đi làm có chút thành tựu cũng không dám hở răng kể chứ đừng nói là khoe, sợ ai kia ngầm so sánh rồi tổn thương. Chuyện gối chăn cũng miễn cưỡng và lạc nhịp giữa người vợ tất bật, đầu bù tóc rối và người chồng “tỉ phú thời gian”.

Hằng ngày, tôi phải uốn ba tấc lưỡi khi chồng nói đưa tiền chi xài, đi đám tiệc; khi người ngoài mắng vốn chồng ăn nói vô duyên, can thiệp chuyện nhà người (do anh quởn quá mà)... Rồi tôi cũng phải vắt óc vẽ ra đủ thứ kịch bản để giấu ém chuyện chồng thất nghiệp, ăn bám thâm niên.

Lo tiền cho đủ trang trải cuộc sống đã mệt, tôi còn nặng nề trách nhiệm giáo dục con. Dạy con chăm chỉ, tự lập, không dựa dẫm, ỷ lại vào người khác kiểu gì với hình minh họa người cha như “cục thịt dư” bám dính vợ. “Cục thịt dư” này cắt thì đau, đeo thì quá nặng, tôi càng nản khi nhìn phía trước đường dài thăm thẳm chỉ mình mình bơi. Nhiều khi tôi vẫn tự an ủi, chồng mình chỉ ở không, chứ đâu quậy phá gì, chồng người ta "tứ đổ tường" mà các bà vợ còn phải ráng "bụm" để giữ gia đình.

An ủi vậy rồi trăm thứ tiền bạc phát sinh từ “3 đứa con” lại gây áp lực lên đồng lương nhỏ bé của tôi, như “ủi” vào cái sự “an” giả tạo mà tôi cố tự ru mình. Tôi nản cực độ, xuống sức, xuống tinh thần. “Lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng”, tôi không hiểu câu này khẳng định bổn phận trách nhiệm khi phụ nữ đi lấy chồng, hay ca ngợi đức vị tha, hy sinh của người phụ nữ đã lập gia đình. Tôi chỉ biết gánh mỗi ông chồng thất nghiệp nhiều năm nay như tôi thì oải dữ luôn!

Theo phụ nữ TPHCM