leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Chị gái tôi có tính khí khó chịu, ưa gọn gàng, sạch sẽ. Vì bản tính sạch sẽ quá mức nên vợ chồng chị ly hôn. Hồi đó, anh rể cứ than vãn với gia đình tôi suốt. Anh ấy nói đi làm về đã mệt mỏi, áp lực mà cứ phải nghe vợ càm ràm bên tai. Mà những chuyện vốn rất nhỏ nhặt như cái bát bẩn trong bồn rửa bát, hũ muối để sai chỗ, đôi giày anh ấy dính chút bùn đất... cũng trở thành đề tài để chị trách móc chồng cả tiếng đồng hồ.

Hậu ly hôn, chị gái tôi vẫn duy trì lối sống sạch sẽ đến mức nhà cửa lúc nào cũng sáng bóng, cây cảnh luôn được tỉa gọn gàng, trong nhà không có một hạt bụi. Nhưng để duy trì kiểu sống đó, chị luôn trong tình trạng 'quá tải', kiệt quệ về sức khỏe lẫn tinh thần. Và chị trút nỗi bực dọc lên con trai đang học lớp 4 khiến thằng bé lúc nào cũng sợ mẹ. Mỗi khi nghe cháu kể bị mẹ mắng vì cặp sách chưa kịp bỏ lên bàn học hay bát mì tôm chưa kịp đem xuống bồn rửa bát mà tôi xót xa. Bố mẹ cũng khuyên can mãi mà tính chị vẫn thế, không chịu thay đổi.

Mỗi lần chị đến nhà tôi chơi, thế nào vợ chồng tôi cũng xảy ra mâu thuẫn. Vợ chồng tôi vốn sống xuề xòa, vì công việc bận rộn nên tôi chỉ dọn dẹp nhà cửa vào ngày cuối tuần. Nhà cửa tuy sạch nhưng trong mắt chị gái thì tôi sống quá bẩn, quá bừa bộn. Đến nhà tôi, chị đụng đến cái ly thì rửa cái ly, đụng đến cái bát thì rửa cái bát, đụng đến thứ gì thì lại lau lau chùi chùi hoặc gập gọn.

Rồi chị còn luôn miệng mắng tôi phải biết dọn dẹp, đừng bày bừa kẻo tập thành thói quen xấu khiến con cũng bị ảnh hưởng. Vừa nói chị vừa lau dọn giúp tôi nhưng vẫn khiến chồng tôi chướng mắt.

Chị về rồi, anh ấy liền tỏ thái độ không vui và nói những lời không hay. Anh ấy bực bội bảo nếu chị tôi đã không ưng thì đừng đến nữa, mà đã đến thì đừng có 'ra vẻ' như thế.

Tôi thương chị, bênh vực chị thì chồng lại lớn giọng trách mắng. Cứ thế, lần nào chị gái đến nhà chơi, vợ chồng tôi cũng cãi nhau.

Tôi đứng giữa, khuyên chị bớt khó tính, sống thoải mái hơn nhưng không khuyên được. Khuyên chồng đừng để ý đến hành động, lời nói của chị vợ nữa thì anh không làm được. Tôi không biết phải làm sao nữa?

Mỹ Hạnh