Đơn thân, không còn là khái niệm dành riêng cho người phụ nữ một mình nuôi con. Ngày nay, trong nhiều gia đình, có đầy đủ 3 thành tố của 1 mái ấm: vợ - chồng - con cái; thế nhưng, người vợ vẫn luôn có cảm giác mình đang làm “single mom”. Nguyên do vì chồng vô tâm, thiếu trách nhiệm hoặc mất kết nối. Chưa đến mức phải ly hôn vì tình chưa cạn, nhưng không ít bà vợ bắt đầu cạn sức.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Giao tiếp vợ chồng nghẽn mạch
Mới đây, khi cậu con trai lên TPHCM học đại học, sợi dây kết nối duy nhất giữa vợ chồng chị Đỗ K. Chi (47 tuổi) và anh Nguyễn Q. Tùng (49 tuổi) ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã mất. Chị K. Chi tâm sự: “Chúng tôi cưới 20 năm, nhưng 6 năm qua vợ chồng mạnh ai nấy sống. Ổng đi làm về thì đi nhậu, không nhậu thì đánh cờ tướng, ôm ti vi xem đá banh; chẳng để ý trong ngoài.
Con trai dậy thì, tính ương ngạnh, kêu ổng dành thời gian nói chuyện với con, ổng cũng chẳng bận tâm, chỉ lo đi nhậu. Còn tiền bạc chẳng mấy khi ổng đưa. Mỗi lần tôi cằn nhằn, hỏi tới tiền thì vợ chồng gây gổ nên tôi rất mệt mỏi, tự nhủ: thà tự mình kiếm tiền nuôi con còn khỏe hơn”.
Thực ra, thời mới cưới, vợ chồng chị Chi tuy hơi khắc khẩu nhưng rất vui vẻ, có gì cũng kể nhau nghe. Nhưng chồng chị vốn là cậu ấm, được cha mẹ cưng chiều nên ham chơi, ít lo cho gia đình. Khi chị sinh 2 con, chồng chỉ nhìn ngó con một chút rồi bỏ đi nhậu, đi chơi, chỉ có cha mẹ 2 bên giúp đỡ. Nhưng vài năm sau, cha mẹ chồng mất, chồng chị mất chỗ dựa kinh tế. Vợ chồng chị hay gây gổ, những cuộc trò chuyện giữa vợ chồng cứ rút ngắn theo nỗi lo cơm áo gạo tiền và mỗi người có mối bận tâm riêng.
Anh Tùng vẫn tính ham vui, thích bù khú với bạn bè. Còn chị Chi suốt ngày cắm mặt ở chợ mua bán. Chị bệnh chồng cũng không hay. Chị nhờ con đi mua thuốc hoặc “tôi ráng lết đi mua, tự nấu cháo ăn” - như chị nói - chứ không bao giờ nhờ chồng, vì khi chị nhờ, anh Tùng sẽ bảo “chút nữa”, nhưng cái “chút nữa” ấy chị chẳng biết đến bao giờ. Điện đóm hư, ống nước hỏng, chồng chị cũng chẳng để ý. Chị kêu thì chồng lại hứa “chút làm”.
Mấy năm qua, vợ chồng chị sống như khách trọ chung nhà. Cơm chị nấu để sẵn, chồng đói thì tự ăn. Buổi tối, mỗi người đều ôm điện thoại, cũng chẳng trò chuyện với nhau. Thậm chí, lúc lên giường, chị Chi còn đeo tai nghe để không nói chuyện với chồng, vì “nói mấy câu đã cãi nhau, thà im còn hơn”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Độc thân bên chồng
Trên một diễn đàn về hôn nhân với hơn 1 triệu thành viên, có rất nhiều người vợ vào “bán than” hôn nhân bất hạnh, buồn chán. Có những chị chịu đựng hôn nhân nguội lạnh, chồng vô tình, vô tâm nhiều năm trời, có chồng mà vẫn như độc thân. Chị Hoàng Nhung tâm sự: “Em và chồng đều 33 tuổi, cưới 7 năm và có con gái 4 tuổi. Chúng em làm cùng cơ quan, khác phòng. Gia đình 2 bên đều yêu thương, thuận hòa, không có áp lực về kinh tế. Nói chung, ai nhìn vào cũng sẽ thấy hôn nhân của em màu hồng. Thế nhưng, em luôn cảm thấy cô độc, tủi thân. Vợ chồng em không có kết nối, hiếm khi trò chuyện, mà mạnh ai nấy sống. Tuy làm cùng cơ quan nhưng vợ chồng em ít khi nói chuyện với nhau, nhiều khi chạm mặt cũng không nói câu nào, đến mức nhiều nhân viên mới vào không biết chúng em là vợ chồng. Chồng cũng từ chối không muốn chở vợ đi làm. Họa hoằn lắm, em rủ đi ăn sáng thì chồng mới đi cùng. Nhưng được vài lần, đang ăn sáng thì anh ấy đều bỏ đi ngang với lý do “có việc”. Chiều cũng nói em tự về hoặc chở nửa đường kêu xuống xe vì “có việc riêng”. Dần dần em không còn thiết tha với việc đi đâu cùng chồng nữa”.
Chị Nhung cũng cho biết, chồng chị chỉ đóng góp ít tiền là coi như đã hoàn thành trách nhiệm làm chồng, làm cha. Trong khi giao tế nội ngoại 2 bên, con cái cũng mình chị chăm sóc. “Còn chồng, ngoài việc cơ quan toàn chơi bóng bàn. Bất luận nắng mưa, con ốm vợ đau, hiếm khi anh nghỉ ngày nào, rồi còn đi tăng 2 đến khuya mới về. Có những khi em bệnh, anh biết mà vẫn không quan tâm. Cháo em tự nấu, thuốc em tự mua. Em sốt cao, anh vẫn kêu em đi tắm rửa cho con. Còn anh có thể mặc đến cái quần cái áo cuối cùng, nếu em bực lên không đem giặt. 2 năm nay, em chán chồng đến mức chẳng quan tâm anh đi đâu, làm gì, với ai, bao giờ về. Gần đây, em muốn sống một mình cùng con, vì em thấy có chồng chỉ thêm phiền, mệt mỏi. Em cũng từng nhiều lần nghĩ đến ly hôn, nhưng thấy tội con không có cha” - chị Nhung tâm sự.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Cuộc phẫu thuật quyết liệt
Chịu đựng, mặc kệ hoặc ly hôn là những cách ứng xử thường thấy của những người vợ có chồng vô trách nhiệm, vô tâm, trăng hoa… Đã có rất nhiều cuộc hôn nhân vật vờ trôi qua hoặc chìm trong địa ngục với cảnh người vợ sống trong nước mắt, đau khổ triền miên.
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có những chị không ngồi yên, cam lòng để số phận, cuộc đời của mình cho người khác cầm nắm, đặt để. Các chị đã hành động để thay đổi thực trạng và tìm lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình mình. Chị Nguyễn Thu Trang ở khu dân cư Lê Thành, phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM đang có một mái ấm ai nhìn vào cũng mơ ước: chồng giỏi giang, yêu vợ, thương con, chăm chút cho gia đình từng chút, con cái học giỏi, ngoan ngoãn.
Thế nhưng, chỉ những người thân của chị Trang mới biết 7 năm trước, vợ chồng chị còn suýt ra tòa ly hôn vì chị không thể chịu nổi người chồng “có cũng như không”.
Chị Trang kể, sau khi cưới 10 năm, chồng chị như “cây kiểng” chưng cho vui. Anh Khang - chồng chị - ngày nào tan làm cũng đi nhậu đến khuya mới về. Một mình chị vừa phải coi quầy thuốc tây, vừa đưa rước 2 con gái đi học chính khóa, học thêm, học năng khiếu, rồi tối dạy các con học. Chị khuyên chồng nhiều lần, nhưng anh hứa rồi vẫn đi miệt mài, để mọi việc trong ngoài cho chị Trang lo liệu.
Sau 4 năm chịu đựng người bạn đời vô tư, vô tâm, chị Trang quyết định “phẫu thuật” cuộc hôn nhân của mình. Vào một sáng sớm, khi chồng đã tỉnh rượu, chị đưa đơn ly hôn cho chồng và tuyên bố: “Một là anh thay đổi - 1 tuần, chỉ đi nhậu 1 ngày cuối tuần; sáng đưa con đi học, chiều về sớm đón con và tối cùng em dạy con học. Còn anh vẫn sống như thế này thì em sẽ đơn phương ly hôn; nhà bán ra chia đôi, còn 2 con em giao cho anh nuôi, khỏi tranh giành. Bao năm nay em khổ vì gia đình này rồi, giờ là lúc em phải sống cho em. Em muốn nhìn thấy sự thay đổi ngay, không hứa nữa. Nếu chiều nay anh không về sớm đón con thì sáng mai em nộp đơn này lên tòa ngay”.
Từ sau ngày ra tối hậu thư đó, anh Khang chồng chị Trang đã thay đổi và lột xác thành một người chồng, người cha của gia đình như lúc anh chị mới có con đầu lòng. Cũng từ ngày đó, chị Trang giao hẳn việc dạy con cho chồng. Anh Khang lập một group gia đình trên Zalo, anh lên bài vở cho con học; tìm được tài liệu hay, câu chuyện hay là gửi vào group cho cả nhà cùng xem. Anh còn đặt ra “gia quy”: cứ 21g là cả nhà tập yoga 15 phút và trò chuyện đến 21g45 mỗi người mới làm việc riêng.
Nhắc lại chuyện cũ, chị Trang cười mãn nguyện: “Ngày đó tôi nói thật và sẽ làm thật, chứ không phải hù dọa ly hôn, vì tôi đã chịu đựng nhiều năm rồi. May mà “ổng” tỉnh ngộ kịp lúc. Vợ chồng phải cùng nhau dạy con, vun đắp gia đình, chứ không thể một người lo liệu được. Phụ nữ khi cần cứng rắn thì cũng phải cứng rắn, đừng để có chồng mà vẫn làm “single mom”, đừng đặt hạnh phúc của mình và con phụ thuộc vào vận may rủi, vào sự hồi tâm chuyển đổi của người bạn đời, mà phải hành động, để chồng thay đổi”.
Vậy mới biết, đôi khi ông chồng “hỏng” nặng là do bà vợ vì yếu lòng nên hay cho qua, hay chịu đựng. Cuộc hôn nhân như một cơ thể, chỉ khỏe mạnh khi vợ chồng cùng chung sức giải quyết mọi việc của gia đình. Và việc này nên thiết lập ngay từ ngày đầu về với nhau.
Một ông chồng lơ là, để vợ một mình, thường không ngay lập tức mà từ từ và luôn có dấu hiệu. Bà vợ cần ra tay điều chỉnh ngay và luôn, một cách khôn khéo nhưng quyết liệt.
Theo phụ nữ TPHCM