leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa

Còn nhớ hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024, mạng xã hội rồi báo chí lần lượt chia sẻ video clip và đưa tin về câu chuyện hi hữu ở An Giang. Đó là chuyện nhà chú rể thì làm đám tang trong khi nhà cô dâu đãi tiệc cưới. Nguyên do là trước đám cưới, chú rể sang nhà cô dâu phụ giúp và bị đuối nước. Khi gia đình chú rể đưa anh về quê nhà lo hậu sự, nhà cô dâu quyết định vẫn đãi tiệc cưới khoảng 15 bàn - một tiệc cưới không có chú rể.

Người nhà cô dâu chia sẻ trên mạng xã hội: “Số bàn tiệc đã đặt, thiệp đã đưa đến từng nhà mời khách. Đồ ăn thức uống đã đặt không thể hồi được. Trong khi gia đình cũng quá khó khăn, nếu không đãi tiệc thì sẽ bể nợ. Số tiền đó là quá lớn so với cuộc sống khó khăn hiện nay của gia đình.

Khi quyết định đãi tiệc, gia đình cũng rất áy náy, nhưng tình huống quá ngặt nghèo, biết làm sao bây giờ”. Hàng xóm thương cho hoàn cảnh éo le nên ai được mời đều đến dự để “góp chút đỉnh” cho gia chủ. Cộng đồng mạng cũng bày tỏ sự cảm thông với bi kịch của những người trong cuộc.

Tìm hiểu thêm thì được biết: cô dâu trong đám cưới nói trên mới 18 tuổi, còn chú rể xấu số 19 tuổi. Họ quen nhau khi cùng là công nhân xa quê. Có lẽ tuổi đời còn quá trẻ, 2 bạn chưa đủ điều kiện kinh tế để lo cho mình một đám cưới trọn vẹn, trong khi gia cảnh 2 bên cũng không khá giả gì, nên người trong cuộc đành đánh liều tổ chức tiệc cưới rồi trông cả vào tiền mừng cưới. Cách tính toán này không phải xa lạ, thực tế vẫn đang được nhiều gia đình lựa chọn. Không kể đến trường hợp quá khó khăn như gia đình nói trên, không ít đôi có của ăn của để vẫn “cố rướn” tổ chức tiệc cưới vượt quá sức mình.

leftcenterrightdel
 Một đám cưới ở Nam Định in mã QR cho khách chuyển khoản ngay trước cổng hoa. Việc này được giới trẻ ủng hộ vì tiện lợi.

Cũng vì lẽ ấy nên dẫn đến tình trạng mời đám cưới tràn lan: người mới quen buổi sáng, buổi chiều đã mời đám cưới. Bạn bè mười mấy năm không liên hệ, bỗng một ngày đẹp trời lại nhận thiệp mời. Họ hàng xa kiểu “bắn đại bác còn không tới” vẫn được vô danh sách dự tiệc.

Vào đám cưới, chủ - khách nhiều khi còn không nhận ra nhau. Người dự tiệc ăn vội cho “đáng đồng tiền bát gạo” bỏ ra rồi ra về, chẳng khác gì đi ăn nhà hàng, lắm khi về mà ấm ức vì “đồ ăn không hợp khẩu vị”.

Người không đi thì chọn cách chuyển khoản, gửi tiền mừng cho xong nhiệm vụ. Ý nghĩa của tiệc cưới và mừng cưới bỗng trở nên méo mó.

Dân gian có câu: “Ai chê đám cưới, ai cười đám ma”. Ông bà ta từ xưa đã có quan điểm rất rõ ràng và nhân văn về tang ma, cưới hỏi: rằng trong lúc tổ chức đám tiệc bận rộn, gia chủ khó tránh điều sơ suất và người đến tham dự luôn cần có tâm thế thông cảm, xí xóa, đến để “chia buồn” hoặc “chung vui”.

Do vậy, thiển nghĩ, khi tổ chức và mời đám tiệc, ngoài chuẩn bị tiền bạc, gia chủ cần có cả bản lĩnh để tiết chế các mong muốn vượt quá sức mình. Hãy trả lại cho đám cưới những giá trị thuần khiết, tròn vẹn nghĩa tình như nó vốn có từ ngàn xưa.

Theo phụ nữ TPHCM