Kính gửi chị Hạnh Dung,
Gia đình em đang đứng bên bờ vực tan vỡ. Đến giờ em mới nhận ra bộ mặt thật của chồng. Trước đây, anh ta chỉ là một thanh niên nghèo ở tỉnh lẻ lên thành phố học. Khi em quen anh ta, gia đình em đã ngăn cản, nhưng vì em quá cương quyết nên gia đình phải chấp nhận. Khi gia đình em xong hồ sơ đi định cư ở nước ngoài, em quyết định ở lại.
Đám cưới của em hầu như do ba mẹ em chủ động bỏ tiền ra tổ chức tất cả. Cưới xong, gia đình em đi, để lại căn nhà cùng cơ sở kinh doanh vải cho vợ chồng em. Vì em đã quen với công việc của gia đình bao lâu nay nên chọn nghỉ việc ở nhà lo buôn bán, còn anh vẫn tiếp tục đi làm và học lên cao, được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý.
Suốt mười mấy năm qua, kinh tế trong nhà do một tay em lo liệu, từ việc nuôi 2 con đi học đến việc quà cáp, biếu xén ngoại giao cho chồng thăng tiến. Giờ đây các con đã trưởng thành. Mấy năm gần đây, em buôn bán không thuận lợi. Chồng em mới đóng góp chút ít vào kinh tế gia đình đã coi thường vợ ra mặt.
Em còn phát hiện anh ta có quan hệ ngoài luồng với một đồng nghiệp, mua nhiều bất động sản rồi tìm cách nhờ người đứng tên, chuyển một số tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân thành tài sản của riêng anh và âm mưu bỏ vợ con, xây tổ ấm mới. Em quá sốc.
Em nghĩ xây được thì phá được, em định sẽ viết đơn kiện, tới tận cơ quan anh ta cho mọi người thấy rõ bộ mặt thật của con người đó, cho anh thân bại danh liệt. Em chỉ còn suy nghĩ về các con. Lâu nay các con em thần tượng ba lắm. Liệu các con có hiểu việc em làm hay sẽ oán trách mẹ?
Ngọc Liên (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Ngọc Liên thân mến,
Hạnh Dung hiểu nỗi uất ức của em - một người vợ bao lâu nay lo gánh vác gia đình, giờ bị chồng phản bội. Nhưng em thử nghĩ: nếu phá tan tất cả thì có ích lợi gì cho mình, cho các con không? Đó cũng là kết quả từ thanh xuân của em, mồ hôi công sức của em. Thay vì phá, sao không giữ lấy cho mình, để chuẩn bị cho một quãng đời mới?
Bình tĩnh lại một chút, em hãy nghĩ kỹ xem mục tiêu của em là gì. Nếu chỉ là muốn dằn mặt người thứ ba, muốn trả đũa chồng, có phải sau cùng em vẫn muốn giữ gia đình, vẫn sống với người chồng phản bội ấy? Phải nhìn trước vào tương lai, liệu rằng sau bao nhiêu sóng gió, em và anh ấy có sống được với nhau hạnh phúc nữa không?
Nhìn xa hơn chút nữa, với một người chồng như vậy, khi tình cảm đã không còn, có lẽ em cũng nên cân nhắc xem có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này hay không. Nếu xác định mục tiêu là chia tay, ta cần tính chuyện đường dài. Bao lâu nay em làm việc để lo cho cả gia đình, đó là thế mạnh cơ bản để em có thể tự lập và nuôi các con.
Đừng tốn quá nhiều thời gian, công sức vào chuyện kiện tụng hay làm ồn ào, chỉ mặt gọi tên tình địch. Em hãy bình tĩnh chuẩn bị cho bản thân. Nếu cần thì nhờ luật sư tư vấn để khi chia tay có thể lấy lại những gì là công sức lao động của mình bấy lâu.
Em cũng cần nói chuyện với con. Các con rất thần tượng ba của chúng. Vậy thì trong cuộc nói chuyện với con, cần tránh để cảm xúc chi phối mà buông lời oán trách hay nhục mạ chồng. Hãy để các con hiểu quan hệ hiện tại của cha mẹ và lý do vì sao mẹ phải quyết định như vậy. Đó cũng là cách để các con nhìn nhận đúng hơn về mẹ, về ba, về những đóng góp của mẹ trong gia đình.
Em hãy nhớ là dù có chuẩn bị kỹ thế nào, thì khi đổ vỡ cũng sẽ có những thứ không thể lấy lại được. Đó là thanh xuân, là tình cảm, là công sức em đã đầu tư cho chồng. Nhưng hãy mạnh mẽ vượt lên, xem đó là kinh nghiệm để chặng sắp tới của cuộc đời, mình sẽ sáng suốt hơn. Chúc em bình tĩnh và quyết định đúng đắn.
Theo phụ nữ TPHCM