Chị Thanh Tâm thân mến!

Em thử việc ở một công ty tư nhân có tiếng trên thị trường. Vì mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, đặc biệt về kĩ năng chuyên môn, nên em luôn cố gắng làm, chú ý tới từng việc nhỏ phát sinh để nhanh chóng bắt nhịp được với công việc và đồng nghiệp trong phòng. Mọi người cũng có đánh giá khá tích cực về quá trình thực tập của em nhưng em vẫn được đánh giá không bằng một bạn vào thử việc cùng đợt với em.

Em không hiểu về điều này. Về công việc chính, em thấy em làm việc có trách nhiệm và cẩn thận hơn bạn đó. Ngoài ra, khi công ty cần hỗ trợ gì ngoài giờ, em đều ở lại làm. Bạn ấy hay đến muộn, công việc thì hoàn thành ở mức độ trung bình khá. Nhưng bạn ấy lại được sếp đánh giá là nhiệt tình, năng động hơn em. Ví dụ, bạn ấy bắt nhịp với các câu chuyện đùa của sếp rất nhanh, luôn chủ động tìm chỗ ăn ngon, đặt đồ, lấy đồ cho sếp... Chỉ cần sếp nói đến ăn ở đâu, chơi gì, ngồi quán cà phê nào đẹp là bạn ấy có thể đưa sếp đi luôn. Thậm chí, sếp muốn cắt tóc ở đâu, định mua đồ đẹp ở hãng nào, chỉ cần nhìn qua là bạn ấy nói được vanh vách. Trong khi, những điều ấy, em không thể bắt nhịp kịp. Nhưng đấy đâu phải là công viêc?

Có lần, bạn ấy phạm lỗi trong công việc, nộp chậm kế hoạch dự toán cho đối tác, khiến đối tác không hợp tác cùng công ty nữa. Đây là một việc nghiêm trọng, thông thường nếu ai mắc lỗi này sẽ bị đuổi việc. Thế nhưng, bạn ấy chỉ bị sếp kiểm điểm, phê bình trước phòng dăm ba câu, rồi không bị làm sao hết, đến lương cũng chẳng bị giảm đồng nào. Trong khi trước đó, em chỉ gửi chậm bản kế hoạch 10 phút đã bị phạt 200 nghìn nộp vào quỹ phòng. Càng nghĩ, em càng cảm thấy ấm ức. Việc nào phức tạp, sếp thường giao cho em phụ trách. Còn việc nào dễ hơn, làm đơn giản và thuận lợi hơn, thường giao cho bạn kia.

Em thấy điều này khá bất công, nên đã kể lại cho chị của mình. Chị em khuyên nên xin nghỉ công ty này và tìm 1 công ty khác công bằng hơn để làm. Tuy nhiên, nơi đây mọi thứ đều phù hợp với nguyện vọng của em. Chuyên môn phù hợp, lương ổn, cách làm việc tương đối năng động. Nếu chỉ vì không biết "nịnh sếp" mà xin nghỉ việc thì em cảm thấy không cam tâm, bởi em đã rất cố gắng trong suốt thời gian thực tập và mong muốn được gắn bó với công ty này.

Trong 5 người thử việc đợt của em, công ty sẽ chỉ nhận 3 người. Em tin em là 1 trong 3 người sẽ được ở lại. Tuy nhiên, bạn kia càng ngày càng thân với sếp. Điều này không chỉ có em cảm thấy bất công mà những người khác, ngay cả đồng nghiệp cũ cũng không thích. Có anh, chị nói, họ đã gắn bó ở công ty hơn 5-7 năm nhưng cũng chưa từng được sếp "cưng chiều" và tạo điều kiện như thế. 

Thanh Tâm ơi, có phải em đang ích kỉ và đánh giá sai bạn ấy hay không? Từ khi đi học, em đã không coi trọng kĩ năng mềm, giao tiếp xã hội, vì với em, điều quan trọng nhất khi đi học là học, khi đi làm là làm. Công việc hoàn thành tốt là đủ, còn những thứ xung quanh có cũng được không có cũng không sao. Chị Thanh Tâm ơi, em nên làm gì để được ghi nhận?

Tú Anh (Hà Nội)

Tú Anh thân mến!

Trong công việc, khả năng làm việc và các kỹ năng mềm về giao tiếp xã hội đều rất quan trọng. Theo chia sẻ của em, bạn kia được sếp ưu ái hơn và được đánh giá là năng động, nhanh nhẹn hơn em. Như vậy chứng tỏ một điều rằng, kỹ năng giao tiếp của bạn ấy khá tốt. Đây cũng chính là điều em còn thiếu. Nhưng mỗi người một thế mạnh. Em hãy phát huy những ưu điểm trong công việc. Một người làm việc tốt, có trách nhiệm, luôn cẩn trọng thì luôn được trọng dụng.

Nếu công ty này em cảm thấy phù hợp về nhiều mặt, em nên tiếp tục làm việc và gắn bó. Bởi dù em có "nhảy việc" sang công ty khác, trong nội bộ của công ty cũng đều nảy sinh các vấn đề. Điều quan trọng là mình nhìn nhận chúng và tìm cách thích nghi. Các kĩ năng trong làm việc, giao tiếp là một hành trình trong nhận thức, em hãy coi đây là một cơ hội tuyệt vời để học tập và hoàn thiện bản thân hơn.

Chúc em thành công!

Thanh Tâm