Kính gửi chị Hạnh Dung,

Gia đình em mâu thuẫn gay gắt từ khi mẹ chồng em lên ở cùng. Bạn bè em ai cũng nói, cách gọn nhất là đề nghị bà sống riêng ra, không ở cùng nhà nữa. Nhưng mẹ chồng em đứng chủ quyền căn nhà em đang ở.

Chồng em đi lao động ở Nhật, anh nói tiết kiệm tiền bạc để lo cho tương lai nên gần 2 năm nay anh không về thăm nhà. Em một mình lo cho con gái 8 tuổi và con trai 5 tuổi, cùng với công việc cấp dưỡng ở trường mẫu giáo, nhiều lúc kiệt sức. Vậy mà mẹ chồng em cứ đơm đặt chuyện này chuyện khác, rồi tự quyết định đến ở nhà em, tiếng là để chăm lo cho 2 cháu, nhưng thực tế là để kiểm soát em.

Mỗi lần em ra khỏi nhà, bà hạch hỏi em đi đâu, với ai. Em về đến nhà, bà lại dỗ dành con em để con em kể mẹ đã chở đi đâu, mẹ có gặp ai không. Các con em đang lớn, cần dinh dưỡng đầy đủ. Vậy mà bữa ăn nào bà cũng chống đũa kể chuyện con trai đang làm lụng cực nhọc, bóp mồm bóp miệng gửi tiền về, ở đây ăn sang mặc đẹp.

Đến giờ học, em bắt con phải ngồi vô bàn, học xong bài mới được chơi; nhiều bữa con em không nghe lời, em dạy con thì bà bênh cháu, nói “chị hành hạ cháu tôi”.

Mới đây, chồng em gọi điện, có ý sắp tới anh sẽ gửi tiền về cho mẹ, vì mẹ nay ở chung nhà với vợ rồi, mẹ sẽ giúp vợ cân đối chi tiêu trong nhà, dành dụm tiền bạc. Với em, vụ này như giọt nước tràn ly. Chắc chắn bà đã nói xấu em, mô tả cuộc sống ở nhà phung phí này nọ.

Bây giờ, nếu nhất định ở riêng, bà sẽ càng có lý do để thêu dệt chuyện em theo trai, em ăn diện tiêu xài, em có quan hệ với người này người khác. Mà nếu không ra riêng, cứ chịu đựng mãi như vầy, em không biết lúc nào thì mọi chuyện nổ tung.

Ân Ngô (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Ân Ngô thân mến, 

Gia đình em chia 2, em đang phải một mình lo nuôi dạy 2 con, lại phải phụ thuộc vào tiền bạc chồng gửi về, nhà cửa thì mẹ chồng đang sở hữu. Xét về mặt nào đi nữa, thời điểm này cũng không phải lúc mình có thể cự cãi tan hoang, mặc kệ mọi chuyện “tới đâu thì tới”. Giờ phải ráng nhường nhịn, giữ hòa khí trong gia đình, để cho người phương xa yên lòng.

Nhưng nói vậy thôi, ngưỡng chịu đựng của con người cũng có giới hạn. Gánh nặng đi đường dài, lâu lâu người ta phải tìm cách đặt gánh xuống, nghỉ một lúc rồi cất gánh lên vai đi tiếp. Em có thể chủ động bàn với chồng chuyện anh về thăm gia đình, để chồng thấy và hiểu nỗi vất vả của mẹ con em.

Nói vậy chứ việc chăm lo 2 đứa bé tầm tuổi ấy, rồi còn đi làm, kể lể ra thì hàng ngàn thứ nhỏ nhặt lắt nhắt, nhưng nếu không thấy không biết thì người ta thường nghĩ chỉ có người đi xa mới làm lụng cực nhọc, mình ở nhà đã có tiền gửi về ăn sẵn, vất vả gì đâu.

Chồng em về một chuyến cũng là để vợ chồng gắn kết chặt chẽ hơn, củng cố tình cảm, lòng tin ở nhau. Chứ nếu vợ chồng xa nhau lâu quá, lại thêm một người ở giữa cầm cưa cầm đục dùi vào tim mãi, cũng đau, cũng chảy máu.

Khi bên nhau, có thể vợ chồng em sẽ bàn tính được giải pháp trọn vẹn hơn. Việc vợ chồng hy sinh đời sống chung vì mục đích kinh tế cũng là bất đắc dĩ, không thể tốt đẹp hoàn toàn, dù mình có mong muốn, cố gắng nhiều.

Chuyện tiền bạc là chuyện nhạy cảm. Em cứ kể chồng nghe lâu nay em chi tiêu ra sao, tiết kiệm thế nào, số tiền dành dụm được là bao nhiêu. Vợ chồng xa nhau cũng vì muốn kiếm đồng tiền lo cho gia đình; em nên hiểu tâm trạng ấy của chồng, của mẹ chồng, để có cách nói chuyện cho hợp tình hợp lẽ.

Bỏ qua những mâu thuẫn nhỏ như vụ “chị hành hạ cháu tôi”, em nên tập trung vào chuyện lớn, chuyện chính: gia đình chỉ tạm xa nhau, cả chồng và vợ đều cố gắng hết sức để thời gian xa nhau mau kết thúc. Chúc em bình tĩnh, cư xử khéo léo để trong ngoài êm đẹp, gìn giữ được gia đình hạnh phúc. 

Theo phụ nữ TPHCM