Mùa hè kết thúc, mọi nhà đã khoe ảnh du lịch mấy lượt, nhưng đám con chị Phạm Linh (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn chưa được đi đâu.

Đầu hè, chồng chị nói chắc như đinh đóng cột là sẽ tổ chức cho 2 đứa nhỏ du lịch Tây Nguyên hoặc đi tàu lửa ra miền Trung. Anh hứa sẽ tổ chức đi xa một chút “cho biết”, vì lâu nay các bé mới chỉ đi tới Đà Lạt chứ chưa từng tới thêm tỉnh thành nào.

Thế rồi anh bị cuốn vào đợt cao điểm của công việc. Anh vắng nhà hết đợt công tác này tới đợt công tác khác. Có đôi ngày anh về nhà nghỉ, lũ trẻ và cả chị Linh không dám nhắc gì chuyện đi chơi, vì thấy ba chúng nằm dài than mệt.

Tháng Bảy rồi tháng Tám qua mau, bọn trẻ chán nản sắp sách vở, áo quần cho năm học mới, cứ cảm thấy thiếu thiếu gì đấy. Chị biết, sự thiêu thiếu ấy chính là lời hứa của ba tụi nhỏ. Chị nhìn vẻ buồn chán của lũ trẻ thì gắt gỏng: “Ba con lúc nào chẳng cao điểm, cao điểm. Ổng hứa lèo cả trăm lần rồi, các con hy vọng làm chi cho thất vọng”.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Nói xong, chị biết lỡ lời. Dù ba bọn trẻ có thế nào, có xấu xí tệ hại ngàn lần trong mắt chị thì trong mắt đàn con, đó vẫn là hình ảnh đẹp đẽ, tươi sáng. Con cái tin vào ba, rồi lại thất vọng, sau đó lại tin, có gì sai? Chẳng lẽ bây giờ chị phải dạy con ba nói gì cũng tin một nửa, trừ hao và dè chừng?

Hôm nọ, chị Linh nghe trộm các con trò chuyện rằng ba nhà nọ giữ lời việc dẫn đi ăn uống, xem phim; ba nhà kia dẫn đi Sa Pa, Phú Quốc… “Ba nhà người ta” luôn giữ lời, còn ba nhà mình thì… Chị nghe, bực mình, tính mắng con, xong nghĩ lại thấy mình vô lý.

Lỗi là ở chồng chị không biết giữ lời hứa với con, lỗi ở chính chị không biết thông cảm cho chồng và khéo léo biện minh, tất yếu lũ con sẽ suy nghĩ theo hướng của chị.

Ở nhà chị Hằng, hình ảnh người cha cũng chẳng mấy đẹp đẽ. Chồng chị dính vào cờ bạc, bia rượu. Chị không muốn nghe lời mẹ chồng (giấu con mọi sự để hình ảnh cha chúng vẫn lung linh, cha nói chúng còn nghe lời), chị chọn “phơi ra” để cho nhà chồng biết anh cũng chẳng tốt đẹp gì mà đòi hỏi ở chị.

Với đám con, chị hay kể đi kể lại về thói tật của cha chúng rồi dằn thêm câu cảnh cáo: “Đứa nào lớn lên mà mắc chứng như vậy là mẹ xử đẹp”.

Những khi gia đình lục đục, chồng chị Hiền thường cay cú nhắc lỗi bêu xấu chồng của chị. Anh nói: “Cô làm như cô tốt đẹp lắm. Cô xem lại mình đi”. Thế là đôi bên ra sức kể tội nhau, những chuyện lẽ ra có thể xuê xoa cho nhau thì qua lời hậm hực lúc giận dữ sẽ thêm tính chất tiêu cực, tệ hại.

Chị Hằng bảo, chị biết kể tội chồng không tốt, nhưng đó chẳng phải chỉ là việc chị “xả” nỗi giận dữ, mà còn là cách để chị dạy con hãy tránh xa tấm gương hắc ám của cha chúng. Chưa kể, nếu phải giữ khư trong lòng những bực dọc, chị sẽ… nổ tung.

Bọn trẻ nhà chị Hằng rất buồn khi cha chúng không được như “cha người ta”. Chúng cũng luôn cảm nhận nỗi bất hạnh khi cha mẹ bất hòa. Tuy vậy, hậu quả của việc rêu rao về chồng chẳng dừng trong bốn bức tường.

Chị từ lâu đã đứng bên kia chiến tuyến với mẹ chồng và cả nhà chồng; bởi trong mắt họ thì con em họ vẫn đẹp trai, tài năng, giỏi giang, những lời cô con dâu nói ra chỉ là vu vạ, kiếm chuyện.

Chúng ta khó lòng bắt người khác theo ý, dù là theo để sửa một tật xấu, một thói quen. Một bà vợ thất bại trong việc “chỉnh đốn” chồng lại muốn dùng uy lực và sức ép từ những đứa con để mong chồng tốt hơn, nhưng sức ép đó hiếm khi tác dụng mà chỉ làm hỏng hình ảnh cha trong mắt con.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Anh Thu - một người đàn ông trung niên - khi kể về tuổi thơ, vẫn còn nguyên nỗi hận mẹ. Mẹ anh luôn chửi mắng chồng, bôi bác cha anh trước mặt lũ con. Khi ấy, cha anh Thu thường tức giận đập phá đồ đạc hoặc quay sang “bịt miệng vợ” bằng những cái tát.

Vợ chồng anh Thu bây giờ được xem là hình mẫu văn minh ở chung cư nơi anh sống. Anh chia sẻ: “Vợ chồng tôi cam kết trước khi cưới: tuyệt đối không chê bai, la mắng nhau trước mặt con. Có việc gì không vui vẻ, chúng tôi vào phòng đóng cửa hoặc hẹn nhau ra quán cà phê. Thật tình thì vợ và tôi cũng chẳng kiềm chế giỏi. Chúng tôi từng có những cuộc gây gổ bằng… email hoặc tin nhắn. Ngồi gườm gườm nhìn nhau, nhưng lại cúi vào điện thoại trút giận, chứ không để con cái biết cha mẹ đang xung đột vì điều gì”.

Anh Thu cho biết, thật may là tới phút này, cả anh và vợ đều đang thực hiện tốt cam kết trước hôn nhân, tránh lặp lại bức tranh buồn tuổi thơ của anh. 

Theo phụ nữ TPHCM