Sự gia tăng đáng ngại
Vào tháng Tư, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cho biết đã nhận được 10.028 báo cáo về bạo hành tại nơi làm việc xảy ra trong năm 2023, tăng gấp đôi kể từ khi chính phủ bắt đầu tổng hợp số liệu về vấn đề này vào năm 2019.
|
Nạn bạo hành ở nơi làm việc đang gia tăng ở nhiều quốc gia - Ảnh minh họa: Shutterstock |
Hình thức bạo hành phổ biến nhất được báo cáo vào năm 2023 là lạm dụng bằng lời nói (32,8%), tiếp đến là các quyết định nhân sự không phù hợp (13,8%). Dù vậy, chỉ có 57 trường hợp được xử lý bằng pháp luật khi người sử dụng lao động sa thải hoặc đối xử bất lợi với người lao động.
Những trường hợp này có thể đối mặt mức án phạt lên tới 3 năm tù hoặc phạt tiền đến 30 triệu won (22.000 USD). Các cuộc khảo sát chỉ ra: số vụ bạo hành thực tế tại nơi làm việc cao hơn nhiều do nhiều nạn nhân không dám báo cáo, sợ bị trù dập.
Vào tháng 2/2024, tổ chức thăm dò ý kiến địa phương Hankook Research đã công bố kết quả cuộc khảo sát từ 1.000 nhân viên trên cả nước. 46% số người được hỏi cho biết từng bị bạo hành mức độ nào đó tại nơi làm việc.
Về phản ứng sau khi bị bạo hành, 33% trong số này cho biết họ chọn không làm gì; 31% bỏ việc; 25% tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Chỉ khoảng 8% nạn nhân báo cáo vụ việc cho các tổ chức bên ngoài công ty.
Tờ Nikkei Asia tiết lộ, những khiếu nại về bạo hành, quấy rối tại nơi làm việc ở Nhật Bản đã lên tới 88.000 vụ vào năm 2021, tăng gấp 3 lần trong 15 năm.
Kaname Murasaki - người đứng đầu Hiệp hội Cố vấn chống quấy rối Nhật Bản tại Osaka - cho biết: “Công chúng ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Các kiểu quấy rối khác nhau đã trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi và nhận được nhiều sự đồng cảm từ công chúng".
Một ví dụ cho tình trạng này là “quấy rối tâm trạng” tức gây đau khổ về tinh thần thông qua nét mặt, tiếng thở dài hoặc thái độ tiêu cực. Hay "quấy rối mùi" - theo ông Murasaki - là bất kỳ mùi nào cản trở khả năng thực hiện công việc của người khác, bao gồm mùi cơ thể, mùi nước hoa quá nồng hoặc mùi khói thuốc lá.
Nguy hại nhất là bạo lực “lạnh”
Theo khảo sát của Workplace Bullying Institute (Mỹ), 30% người lao động nước này từng bị bạo hành khi làm việc. Những người làm việc từ xa có nhiều khả năng bị bắt nạt hơn (43,2%). Hậu quả của bạo hành nơi công sở không kết thúc khi người lao động rời văn phòng.
Việc bị bắt nạt tại nơi làm việc có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm lý. Cụ thể là các triệu chứng như đau đầu, căng cơ, thay đổi khẩu vị, huyết áp cao, thường xuyên thay đổi tâm trạng, căng thẳng, lòng tự trọng thấp và thậm chí là trầm cảm.
Bắt nạt tại nơi làm việc không phải lúc nào cũng mang tính thù địch một cách công khai mà có thể thể hiện bằng hình thức “bạo lực lạnh”, gây áp lực vô hình đối với tâm lý. Cấp trên, đồng nghiệp, cấp dưới và cả khách hàng có thể dùng “bạo lực lạnh” khiến nạn nhân tổn thương tinh thần.
Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu Canada phát hiện: việc bị phớt lờ, xem như vô hình hoặc bị giám sát quá mức tại nơi làm việc sẽ gây ra nhiều tổn hại hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trong kết quả đăng trên Tạp chí Khoa học Tổ chức (Mỹ), các tác giả của nghiên cứu viết: "Một người ít có khả năng bị coi là người xấu khi họ phớt lờ ai đó so với việc công khai xúc phạm, la mắng hoặc đe dọa. Hơn nữa, hành vi tẩy chay có thể dễ dàng được ngụy trang bằng các lý do như quá bận để trả lời, lỡ quên thông báo vấn đề quan trọng".
Theo Jason Walker (phó giáo sư tâm lý tại Đại học Adler - Mỹ) và Deborah Circo (trợ lý giáo sư về công tác xã hội, Đại học Nebraska Omaha - Mỹ), nạn nhân bị bạo hành tại nơi làm việc nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ những đồng nghiệp khác. Họ cũng cần giữ vững sự tự tin vào bản thân cùng khả năng chuyên môn trong công việc.
Để giải quyết hiệu quả vấn đề bắt nạt và quấy rối tại nơi làm việc, điều quan trọng là cả nhân viên và tổ chức phải thừa nhận, tích cực giải quyết những xung đột. Việc thiết lập các chính sách chống bạo hành, thúc đẩy các kênh giao tiếp cởi mở ở nơi làm việc sẽ giúp nâng cao sức khỏe và năng suất của nhân viên.
Theo phụ nữ TPHCM