Trở về nhà sau một ngày làm việc mệt “rã người”, nhưng chưa kịp uống nước, anh Hưng đã nghe vợ ca thán: “Anh cũng biết chịu khổ quá! Nếu anh khôn lanh như em trai, em gái anh thì đã đỡ cái cảnh đi sớm về khuya, bòn mót từng đồng từng cắc thế này”.
Cơn giận trong anh Hưng bùng lên, anh bỏ vào nhà tắm. Đằng sau, tiếng vợ anh vẫn lanh lảnh: “Em nói sai hả, chẳng phải em tham lam, em chỉ đòi hỏi những gì chính đáng mà anh phải có thôi”.
Nhà Hưng có ba anh em, Hưng là lớn. Lúc ông bà chia phần, anh sẵn sàng nhường với suy nghĩ: “Chú Thịnh chưa có nhà, lấy vợ cũng cần phải an cư cho con gái nhà người ta, còn cô út cũng phải có ít tài sản lận lưng sau này lấy chồng”.
Nhưng suy nghĩ này khiến vợ anh ấm ức. Trong mắt vợ, anh Hưng đã hy sinh cho các em quá nhiều. Thời sinh viên anh vừa đi làm vừa đi học kiếm tiền gửi về phụ ba mẹ, ra trường thì làm hết nghề tay trái tay phải. Để phấn đấu được như ngày hôm nay, anh phải trải qua không ít khó nhọc. Chưa kể, cha mẹ đau yếu cũng một tay anh Hưng lo, em út học hành cũng do chu cấp.
Vì thế, khi cha mẹ may mắn làm ăn có dư, gần đây họ bàn tính đến chuyện thừa kế. Vợ Hưng đã nghĩ trong đầu rằng nhất định anh sẽ được “bù đắp” cho những cơ cực, vất vả suốt từ bé. Vậy mà anh Hưng nói tỉnh rụi: “Anh chẳng lấy gì cả, nhường hai đứa. Anh có nhà, có vợ con đủ đầy, công việc cũng ổn định rồi”.
Thông tin ấy khiến vợ Hưng ấm ức, cô hết trách chồng lại quay sang trách các em của anh. Hưng buồn nhiều, anh có thiếu thốn gì đâu, vợ anh cũng thế. Cô muốn gì anh cũng chiều, con cái anh đều mạnh khỏe, học trường cũng tiếng tăm. Vậy nhưng như thế là chưa đủ. Hỏi ra thì vợ nói vẫn phải có tài sản, sau này cho mỗi đứa một căn nhà mới an tâm được.
|
|
Chị luôn nghĩ, anh ít nhất phải có một phần tài sản sau bao năm vất vả với gia đình (Ảnh minh họa) |
Anh không muốn đôi co với vợ về chuyện thừa kế, bởi đó là tài sản của cha mẹ. Thành ra mấy tháng rồi, cả hai cứ tranh cãi, giận hờn đến là mệt mỏi.
Cũng đồng cảnh ngộ chuyện chia tài sản, chồng chị Xuân không có tên trong danh sách thừa kế. Điều này khiến chị ấm ức mãi. Điều đáng nói là ông bà cũng chẳng có nhiều nhặn gì, nhà lại đông con. Căn nhà ông bà để lại sang tên cho chú út.
Chú là người chăm lo hương hỏa, khu vườn trong nhà cũng một tay chú chăm, con cháu ai về thì có căn nhà cũ của cha mẹ để ở, có cây trái để đi ra đi vào ngắm, dạo mát, hưởng ngọt.
Tưởng rẳng quyết định đó không ai phản đối. Vậy mà chị Xuân vẫn khó chịu trong lòng. Ngôi nhà nhỏ và là nơi thờ phụng thì không nói, còn khu vườn rộng, ông bà chia cho con cháu mỗi người 5 mét đất cũng ổn, hà cớ gì chia hết cho chú út?
Cứ thế, chị ấm ức cả tháng trời. Sau này về quê giỗ chạp cha chồng, gặp chú út, chị không vui. Chị còn đi bàn tán với mấy chị em bạn dâu khác chuyện vợ chồng chú út nịnh nọt cha mẹ, chuyện hồi cha còn sống thiên vị đứa này đứa kia. Cứ thế, cả nhà lục đục, đến khi chồng chị biết, về cãi nhau um sùm một phen, chị mới bớt nói ra nói vào. Vậy mà những ấm ức thiệt hơn vẫn như cơn sóng chực chờ, lâu lâu có chuyện là chị đem ra chì chiết, mắng anh nhu nhược.
Mãi đến gần đây, chú út mới ngỏ ý muốn ra nước ngoài ở. Căn nhà và khu vườn tuy có mẹ chăm sóc, nhưng vẫn cần con cái lúc bà ốm đau. Mọi người thấy chị không bận rộn đi làm, bèn gợi ý để anh chị qua ở cùng mẹ. Vậy mà chị đỏng đảnh từ chối, dù chú út cũng nói miếng đất ấy sẽ sang tên cho chồng chị để anh quán xuyến, chăm lo.
Cuối cùng thì chị chẳng đòi thừa kế nữa, chị tần ngần nhận ra, giữ tài sản cũng… mệt. Chị cũng thêm ái ngại khi biết chú út chẳng có mưu cầu gì tiền của ông bà để lại. Chỉ có chị cứ để ý, cứ đòi hỏi, ấm ức, dù đó là chuyện… nhà chồng.
Theo phụ nữ TPHCM