Chị Hạnh Dung kính mến,

Em năm nay 34 tuổi, chưa có gia đình. Em biết mọi người xung quanh đã gọi em là gái ế, gái già. Thế nhưng, em có một tâm trạng khó nói lắm chị.

Ngày vào Sài Gòn học, em là một cô sinh viên ngu ngơ, hiền lành. Lúc đó, nói thật là em bị các chàng trai Sài Gòn làm cho choáng ngợp. Em thấy họ ai cũng lịch lãm, đẹp trai, ga lăng... hơn các bạn trai học cùng em ở quê.

Em nhút nhát và sợ họ, đến mức cảm thấy luôn mất tự tin. Vì thế mà em đánh mất đời con gái của mình ngay trong năm đầu tiên, với một người bạn trai không hề yêu em. Đó chỉ là một mối quan hệ bình thường trong lớp, bạn là lớp trưởng, và là người khiến em rất ngưỡng mộ.

Vì em biết bạn không yêu em, chỉ là chuyện tai nạn xảy ra khi đi picnic, nên em cũng không dám đòi hỏi hay trách móc gì bạn. Khi biết có thai, em âm thầm đi bỏ thai. Dù bác sĩ bảo rằng nếu bỏ, em có nguy cơ cao sẽ vô sinh, nhưng em chấp nhận, vì không thể làm cho ba má xấu hổ vì mình.

Từ đó đến giờ, em luôn mặc cảm tội lỗi, mặc cảm mình có khả năng không có con, nên em không dám có tình cảm với ai, kể cả khi mọi người có tình cảm với em. Nhiều khi bị hỏi han, thắc mắc, em chỉ nói là em thích sống độc thân.

Mới đây, em quen một người đàn ông. Anh ấy là một người rất tuyệt vời. Anh đã ly dị và giờ sống một mình, nuôi 2 con. Thấy anh có con rồi, em yên tâm lắm. Em nghĩ nếu sống với anh, thì em sẽ không bị áp lực việc sinh con.

Thế nhưng, anh vẫn nói rằng anh muốn có một đứa con với em, phải có con thì mới gắn bó với nhau lâu dài và vững bền. Em không biết có nên nói mọi sự thật với anh, hay cứ lẳng lặng chung sống, chừng nào không thể có con thì mới nói ra sự thật. Theo chị, em nên làm thế nào?

Yên Hà

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Yên Hà thân mến,

Thật đáng tiếc là em đã để cho điều bác sĩ nói ám ảnh em lâu đến thế, đến mức không dám bước tới với hạnh phúc của mình, mà sống thu mình lại, với nỗi mặc cảm, sợ hãi.

Từ lâu rồi, em đã có thể đi kiểm tra xem sau khi phá thai, cơ thể em có bị ảnh hưởng thật hay không. Dù có thể tinh thần em vẫn khó quên được chuyện đó, nhưng ít ra những an tâm về mặt sức khỏe sinh sản cũng sẽ giúp em chữa lành vết thương.

Tuy nhiên, Hạnh Dung nghĩ rằng, ngay lúc này em hãy đến bệnh viện để kiểm tra, giống như việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, cũng chẳng có gì là muộn. Hãy trình bày với bác sĩ mọi lo ngại của em, để có được sự tư vấn tốt nhất.

Việc người yêu em nói rằng hai người nên có con chung, Hạnh Dung thấy cũng đúng thôi. Đấy là anh ấy nghĩ cho em, nghĩ cho tình cảm gắn bó lâu dài của cả hai. Em còn rất trẻ, và chắc là cũng mong muốn có một đứa con của riêng mình. Nếu như biết rõ ràng, chính xác tình trạng của bản thân, em sẽ dễ dàng quyết định mọi việc hơn.

Thật ra, nhẹ nhàng, can đảm và mạnh mẽ nhất là em nên nói hết mọi sự thật với người yêu. Việc này đảm bảo cho một tâm trạng an lành của em, và không phải nơm nớp lo lắng, sợ hãi một lúc nào đó bí mật bị phát hiện.

Nếu người đàn ông em yêu là người hiểu chuyện, anh ấy sẽ không đánh giá, coi thường, lên án quá khứ của em. Anh ấy sẽ chia sẻ và thông cảm với em. Tốt hơn nữa là anh ấy sẽ hợp tác với em trong việc kiểm tra sức khỏe sinh sản và chữa trị, nếu cần thiết.

Thật sự, theo chị, một gia đình trọn vẹn hạnh phúc là một gia đình mà giữa hai người có sự tin cậy, cảm thông, hiểu nhau, không có điều gì phải giấu giếm, che đậy. Mọi mối quan hệ phải dựa trên sự dối trá đều gây nên căng thẳng, lo lắng, nghi kỵ, đề phòng rất mệt mỏi.

Hơn nữa, đây cũng là một sự kiểm tra lớn về tính cách, tấm lòng, sự bao dung... của người đàn ông mà em dự tính gắn bó hết cuộc đời. Nếu người đó phản ứng, chê trách và từ chối em, em cũng sẽ không cần nuối tiếc làm gì một người quá câu nệ những câu chuyện quá khứ như vậy.

Theo phụ nữ TPHCM