Hôm qua, người bạn cũ của tôi ở trường đại học đăng status: “Em đồng ý ly hôn. Sau tất cả những dằn vặt và cả những cố gắng, em đồng ý ly hôn để 2 ta có cuộc sống mới sẽ chắc chắn tốt hơn những âm ỉ rỉ máu của hiện tại. Xin mọi người đừng hỏi gì thêm, chỉ cần cho nhau những cái thương (icon ôm) là đủ".
Dù ly hôn vì lý do gì, ở độ tuổi nào, cũng đều là giai đoạn mà người trong cuộc dễ tổn thương. Họ thường muốn chia sẻ câu chuyện của mình (để được sẻ chia, hoặc đơn giản chỉ là muốn thông báo rằng họ đã ly hôn), nhưng lại rất nhạy cảm nếu thình lình nhận câu hỏi/câu nói liên quan đến chuyện ly hôn của họ.
Vậy đâu là những câu hỏi không nên hỏi, đâu là những câu nói không nên nói?
“Chuyện gì đã xảy ra vậy?"
Theo tôi thì một người vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời sẽ cảm thấy thêm khó xử khi phải trả lời chi tiết về sự đổ vỡ. Họ không muốn "tua lại" nỗi đau. Sẽ rất dài dòng và vô cùng phức tạp để trả lời cho câu hỏi “Chuyện gì đã xảy ra vậy” nhất là khi họ đã hoặc đang trong cuộc khủng hoảng đau đớn.
Vì vậy trông chờ họ tóm tắt câu chuyện một cách gọn gàng và bình tĩnh kể rõ ràng cho bạn là điều bất khả thi. Thế nên, đừng đặt câu hỏi làm khó người trả lời.
“Ngay từ đầu đã sai...”
Thật phũ phàng khi phán xét một mối quan hệ thất bại rằng nó nên thất bại từ ngay từ đầu. Hơn 15 năm trước, bạn thân của tôi đã bất chấp mọi cấm cản của gia đình để kết hôn với một chàng trai tỉnh lẻ chưa có sự nghiệp. Họ sống hạnh phúc, có với nhau 2 đứa con và giờ họ ly hôn.
Khi họ còn chung sống thì gia đình 2 bên không can thiệp gì. Nhưng khi họ ly hôn thì lại khác. Gia đình bạn tôi lập tức trách cứ cô ấy, cho rằng ngay từ đầu gia đình đã thấy họ không nên lấy nhau, rằng nếu nghe lời ba mẹ thì đâu xảy ra chuyện hôm nay…
Bạn tôi nói rằng cách hành xử của gia đình khiến cô không chỉ thấy thất bại trong hôn nhân mà còn cảm giác con người, những giá trị, và cả tương lai của cô ấy đều chẳng ra làm sao. Trong khi đó, không phải cô ấy cũng đã cố gắng gầy dựng một gia đình hạnh phúc suốt 15 năm qua và đã có những đứa con giỏi giang, ngoan ngoãn hay sao?
Chia sẻ với tôi, bạn nói rằng trong giai đoạn quyết định ly hôn, cô ấy mắc kẹt trong vòng lặp vô tận của việc tự phán xét, nên cực kỳ nhạy cảm với phán xét của người khác. Bạn hiểu sự trách cứ của gia đình củng cố hơn quyết định ly hôn của cô ấy, nhưng về mặt tâm lý lại khiến cô ấy tự ti hơn. Cô ấy chọn sai người và giờ phải trả giá hay sao?
“Sao không cố gắng thêm?”
“Sao không thử ly thân thêm 6 tháng?”, “Sao không cố gắng hơn vì con?”, “Sao không đi tư vấn tâm lý”... Mục đích của những câu hỏi này là muốn hòa giải, là muốn hàn gắn... Nhưng có người trong cuộc nào lại muốn chia ly, có người trong cuộc nào lại muốn dễ dàng vứt bỏ cuộc hôn nhân với bao thứ ràng buộc? Khi không thực sự hiểu lý do ly hôn của ai đó, bạn không nên dễ dàng đưa ra câu hỏi "vì sao không cố gắng thêm...".
Một người đồng nghiệp của tôi kể rằng, khi vợ chồng họ ly thân, người chồng ngoại tình của chị đã hứa: “Anh sẽ quay về với em, nếu em cố gắng duy trì hôn nhân...”. Chị không hiểu vai trò của anh chồng ấy là gì trong cuộc hôn nhân và biết chắc rằng, nếu chỉ một bên cố gắng thì kết quả vẫn là đứt gánh mà thôi. Trong trường hợp này, lời khuyên "cố gắng thêm" là vô nghĩa.
"Bạn định làm gì với cái nhẫn cưới?"
Trong cuộc gặp gỡ của nhóm 4 cô bạn thời cấp III, một người buột miệng hỏi cô bạn vừa tan vỡ hôn nhân: “Nhẫn cưới đâu? Bán chưa?”. Ngay sau tiếng hỏi, mọi người vô thức quay nhìn bàn tay cô bạn vừa ly hôn, sau đó là những giây phút im bặt đáng sợ, thậm chí không ai dám thở mạnh.
Cô bạn vừa chia tay chồng sau đó thẹn thùng đưa tay vuốt tóc rồi nói bâng quơ: “Không nhớ để ở đâu rồi” và bắt sang câu chuyện khác.
Nhẫn cưới, váy cưới, ngôi nhà, tài sản chung... và những kỷ vật gắn liền với cuộc hôn nhân dễ gây tò mò cho người ngoài, nhưng đó cũng chính là những món đồ đem lại cảm xúc không dễ chịu cho những người trong cuộc. Dù mối quan hệ tan vỡ, nhiều người vẫn trân trọng những kỷ vật và họ muốn cất giữ cho riêng mình. Và xét cho cùng thì câu trả lời cho câu hỏi “định làm gì với nhẫn cưới, váy cưới…” chẳng đem lại giá trị thông tin để người hỏi đưa ra bất cứ hành xử hữu ích nào. Vậy thì, tốt hơn hết cứ để người trong cuộc tự nguyện đề cập nếu họ muốn, đừng chủ động hỏi han hay đào sâu.
Vậy, nói gì thì... an toàn?
Là người vô tình biết được nhiều tình huống liên quan tới chuyện ly hôn của bạn bè và những người quen, tôi nghĩ rằng câu nói tinh tế, lịch sự nhất nên dành cho người trong cuộc chính là: “Cảm ơn đã tin tưởng chia sẻ với tôi. Tôi rất tiếc vì chuyện của bạn”.
Chúng ta chỉ nên dừng lại ở đó cùng với thái độ đồng cảm và các biểu cảm lắng nghe. Vì không riêng chỉ chuyện ly hôn, những người vừa trải qua đau đớn đôi khi chỉ cần được nói ra cho nhẹ lòng chứ không cần khuyên răn, tư vấn gì cả.
Nếu bạn với người trong cuộc đủ thân thiết, hãy rủ họ đi đâu đó. Người bạn đầu tiên trong nhóm chúng tôi ly hôn nói rằng cô ấy sợ cảm giác cô đơn khi ở nhà một mình, bởi vì vừa trải qua cảm giác bị bạn đời bỏ rơi. Vì vậy nên chúng tôi thường rủ cô ấy đi đây đó, gặp gỡ những người thú vị, nói những chuyện tích cực. Có thời gian thì chúng tôi đi chơi xa vài ngày, chưa rảnh rang thì loanh quanh quán xá, trung tâm mua sắm, đi nhà thờ, đi tập thể dục…
Tôi hiểu rằng ngay cả khi cô ấy không muốn đi, thì việc bạn thân quan tâm, rủ rê cô cũng khiến cô ấy vơi đi cảm giác cô đơn và cảm nhận giá trị bản thân cùng cảm giác yên tâm: "Mình thật may vì luôn có những người bạn tốt xung quanh".
Suy nghĩ "hôn nhân thất bại thì cuộc đời thất bại" vô cùng nguy hiểm. Nếu người thân, bạn bè đang trong hoàn cảnh này, bạn nên giúp họ hiểu rằng ly hôn chỉ là một chương trong quyển sách cuộc đời mà thôi. Hãy viết tiếp những chương tiếp theo để có “happy endding” đi nào!
Theo phụ nữ TPHCM