Hôm trước, khi đọc bản tin về giải thưởng Megapower, hội bà tám văn phòng chúng tôi hào hứng với chi tiết người ta so sánh cơ hội trúng số với xác suất bị sét đánh. Cười một hồi, chúng tôi chuyển qua bàn chuyện của Xuân Sơn - tay cựu phó phòng.

Anh Sơn trước kia là ngôi sao của phòng kinh doanh, là người có chỉ số IQ “đỉnh”. Hồi chúng tôi cùng thực hiện bài trắc nghiệm IQ. Bạn bè chỉ ở mức trên dưới 100 thì anh vọt lên mức 145, tức chỉ 0,1% dân số thế giới có chỉ số xác suất này.

Anh không chỉ giỏi chuyên môn, đẹp trai, khéo ăn nói mà còn có nhiều điều kiện tốt và là niềm ao ước của chúng tôi. Sơn được xem là người “sinh ra ở vạch đích” vì mẹ anh đứng đầu một doanh nghiệp nhà nước, mối quan hệ với chủ các doanh nghiệp, tập đoàn, đại gia… gia đình đã dọn sẵn từ lúc anh chưa sinh.

Gia đình là bệ đỡ vững chắc, nên bạn bè đều nghĩ anh có xác xuất thành công lớn, sẽ nhanh chóng làm ông chủ lớn hay ít ra cũng làm chủ đời mình. Nhưng không, sau khi rời công ty tôi, Sơn lập công ty kinh doanh nông sản và chúng tôi chứng kiến anh đã đi hết thất bại này tới thất bại khác. Gia đình nhỏ và gia đình lớn của anh tan nát theo những cuộc đầu tư, những lần chuyển đổi mặt hàng, lĩnh vực kinh doanh. Đỉnh điểm là anh đầu tư chuỗi nhà hàng lớn và rồi gặp dịch COVID-19, đóng cửa tới nay.

Những khoản thâm hụt khiến anh phải bán nhà bán cửa. Có lần tôi gặp anh ngoài đường, râu ria không cạo, quần áo không ủi, đi chiếc xe máy cà tàng hệt bác xe ôm.

Có thời điểm vợ anh tới chỗ chúng tôi tìm chồng. Vì anh nợ tung tóe, không chịu nổi cảnh nhân viên thu hồi nợ rượt đuổi, anh chơi bài bỏ trốn, mặc mọi chuyện, mặc cho người mẹ đã lớn tuổi và người vợ xoay xở. Khi vợ Sơn về, chúng tôi buồn bã lắc đầu: “Đàn bà nhà cậu Sơn khổ quá!”.

“Phải chia tay, không còn đường nào khác, tôi hết sức chịu đựng rồi. Không chỉ vấn đề tiền bạc, mà còn là thái độ. Ảnh bỏ tôi và mẹ giữa ma trận tiền nợ. Con người vô trách nhiệm này sẽ chỉ lôi các con theo xuống vực” - chị Yến - vợ anh Sơn - chia sẻ lý do ly hôn với luật sư. Chị nói từng yêu anh vì anh là người có chí khí, nhưng cũng vì “chí khí bất chấp”, anh đeo đuổi những cuộc làm ăn đầy rủi ro. Mà cái rủi ro này là người ngoài thấy, chứ anh thì lúc nào cũng tin chắc như đinh đóng cột rằng sẽ thắng.

Đàn bà cần điều kiện sống ổn định, an toàn cho họ và con cái (ảnh minh họa)
Đàn bà cần điều kiện sống ổn định, an toàn cho họ và con cái (Ảnh minh họa)

Phút cuối của cuộc hôn nhân, anh đồng ý dừng lại, bởi nếu anh không đồng ý thì chị vợ cũng đã thuê công ty luật làm hồ sơ đơn phương ly hôn. Chị nhận nuôi 2 con, đưa lũ trẻ tới một khu chung cư an ninh, lên xuống phải có thẻ từ, để cho chúng môi trường an toàn hơn.

Chìa tờ giấy ly hôn, chị cũng tránh được cảnh chủ nợ đe dọa. Ít nhất, tháng lương còm cõi của chị không bị tịch thu cho những món nợ khổng lồ và khó hiểu. Chị nói trước kia chưa từng nghĩ tới chuyện xuất cảnh theo cha mẹ. Nhưng bây giờ chị quyết tâm phải ra đi để cuộc sống của con cái ít ảnh hưởng nhất.

Bàn chuyện anh Xuân Sơn, người phụ nữ lớn tuổi nhất hội bà tám chúng tôi phán: “Càng nhiều cậu như Sơn, càng nhiều gia đình lao đao, bất ổn”. Chúng tôi, các “bà tám viên” tán đồng 100%.

Ở góc độ người vợ, chúng tôi cần bờ vai vững chãi, cần cuộc sống ổn định. Những ông chồng không biết lùi, không chịu lùi, cứ duy ý chí và gạt vợ con ra khỏi các tính toán cuộc đời, chúng tôi không thể chấp nhận. 

Theo phụ nữ TPHCM