Chị Hạnh Dung kính mến,

Hôn nhân của em vốn yên ổn, chồng cáng đáng tốt tài chính. Em thích nấu ăn và chăm sóc mọi người nên thường mời anh em bên chồng sang chơi.

Gần đây, kinh tế của chồng em không tốt như trước. Chúng em phải thắt chặt chi tiêu. Em không còn chủ động mời ai tới nhà, nhưng mọi người thì vẫn giữ thói quen. Nhà chồng có 5 anh em trai cùng sống ở TPHCM và tuần nào mọi người cũng gọi nhau tụ tập ăn uống ở nhà em.

Sự việc kéo dài một thời gian, em nhận ra mình đã trở thành một “người phục vụ” đúng nghĩa. Mọi người hồn nhiên đưa yêu cầu, không chia sẻ tài chính, cũng không phụ giúp bếp núc. Em chia sẻ căng thẳng với chồng và anh đã làm mọi chuyện bung bét hết.

Anh nói với các chị/em dâu rằng nếu ăn chung thì phải phụ giúp bếp núc và thay nhau đi chợ, rằng vợ anh giờ sức khỏe kém, kinh tế không được như xưa nên mọi người phải “biết điều”.

Chuyện này chạm tự ái của mọi người, lại lọt đến tai mẹ chồng. Mẹ gọi điện mắng em sao không nhờ các chị em dâu phụ bếp mà lại mượn lời chồng làm chia rẽ gia đình.

Mẹ cũng gọi mắng chồng em “bộ nát lắm rồi sao mà để anh em ê chề chỉ vì miếng ăn”. Thực sự chồng em đang khó khăn nên lời mẹ nói làm anh rất tổn thương.

Bây giờ, cả nhà chồng chẳng ai liên lạc với vợ chồng em, còn chồng em cũng kiên quyết không chủ động mở lời. Xin chị cho em lời khuyên.

Trúc Hằng (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trúc Hằng mến,

Em đã vào vai “siêu nhân” một thời gian dài, đến mức không ai để ý đến điều kiện, sức khỏe hay tinh thần của em nữa. Việc dựa cậy, đòi hỏi đã trở thành quán tính khó sửa nơi mọi người.

Bây giờ, quán tính đó lại được “phát lệnh dừng” theo cách không khéo léo của chồng em, nên mọi người càng dễ bất bình. Dù sao, chuyện cũng có mặt tích cực là mọi người đã biết về những khó khăn của em, kể cả chưa tiếp nhận đúng bản chất để hiểu cho em và để giải tỏa những tự ái nơi họ.

Em có thể chọn một người em thấy gần gũi nhất trong nhà chồng để chia sẻ cảm giác của em về việc này.

Sự thật là em luôn muốn gia đình sum họp và luôn sẵn lòng chăm sóc mọi người. Nhưng có một sự thật khác nữa là giai đoạn gần đây, em và chồng khá căng thẳng về tài chính, bản thân em cũng sa sút về sức khỏe lẫn tinh thần. Chồng em chỉ vì muốn giải tỏa bớt áp lực cho vợ mà khiến nhà chồng hiểu lầm.

Việc em chia sẻ chân thành cũng sẽ giúp em tự giải tỏa những áy náy trong lòng. Hãy có niềm tin rằng, khi sự tự ái phôi phai, người ta sẽ dần sáng suốt hơn khi nhìn nhận về một câu chuyện, một con người.

Không ai có thể phủ nhận rằng em đã tận tụy, rộng rãi với nhà chồng ra sao. Việc em chia sẻ lần này chỉ giúp mọi người vượt qua tự ái ban đầu để họ thực hành sự thấu hiểu và cảm thông. Nếu họ không vượt qua được, em cũng không cần nặng nề.

Em đã rất tận tụy và vất vả để vào vai người chăm sóc, phục vụ cả gia đình. Bây giờ, khi kinh tế eo hẹp, em phải gánh thêm những gánh nặng tinh thần, trở nên quá sức.

Em cần thu vén các mối quan tâm hằng ngày, chỉ tập trung vào những việc cần thiết nhất và chia sẻ công việc cho chồng, con. Hãy luôn cân nhắc về sức khỏe và tinh thần của bản thân. Khi thấy mệt, hãy nghỉ ngơi. Khi thấy không sẵn sàng, hãy từ chối.

Điều này khá khó với người có tính cả nể, nhưng hãy tập dần. Hãy từ chối trong chủ động thay vì để cơ thể và tinh thần mình kiệt quệ đến mức tự thân nó khước từ tất cả.

Ban đầu, mọi người có thể sẽ sốc vì không quen bị em từ chối. Nhưng em hãy chấp nhận bản thân mình trước, tập làm ngơ trước những phản ứng khó chịu (nếu có) của mọi người. Rồi dần dà, những người thực sự yêu thương em sẽ hiểu và có lối hành xử phù hợp hơn.

Theo phụ nữ TPHCM