Vợ chồng tôi cưới nhau hơn một năm. Hiện tại, vợ tôi mới sinh con. Vì chưa có điều kiện mua nhà ở riêng nên chúng tôi ở cùng bố mẹ. Tuy sống chung với bố mẹ, vì hai vợ chồng cùng đi làm, cả nhà chủ yếu chỉ quây quần vào bữa cơm tối nên hầu như chưa có va chạm gì giữa nàng dâu và bố mẹ chồng.

Nhà vợ tôi neo người, mẹ vợ vì lý do sức khỏe nên chỉ sinh mỗi vợ tôi. Hồi còn yêu nhau, nhà vợ ngỏ ý sau khi cưới, muốn tôi ở rể cho vui cửa vui nhà. Nhà vợ rộng rãi, lại gần chỗ làm của hai vợ chồng tôi. Nhưng bố mẹ tôi không đồng ý, tôi cũng cho rằng không nên.

Ngày mới cưới, vợ hỏi tôi: "Sau này sinh con, con có thể mang họ em được không?". Tôi cười trả lời: "Việc gì pháp luật không cấm thì đều có thể được". Vốn dĩ lúc đó, tôi chỉ nghĩ vợ tôi hỏi cho vui thôi. Trừ mẹ đơn thân không lấy chồng mà có con, còn bình thường, có đứa trẻ nào lại không mang họ bố.

Ngay sau khi sinh con, vợ đưa ra đề nghị khiến tôi sửng sốt - 1
Tôi hiểu được mong muốn của vợ nhưng hiện thực điều đó quá khó khăn (Ảnh minh họa: iStock).

Vợ tôi đã trải qua 9 tháng thai kỳ vô cùng vất vả. Mấy tháng đầu, cô ấy ốm nghén hầu như không ăn được gì, người gầy gò như con cá mắm. Sau này đi khám, các chỉ số thai nhi đều nhỏ hơn tiêu chuẩn, cô ấy sốt ruột và lo lắng nên nghe mách cái gì bổ béo cũng ăn, cho dù nhiều khi ăn vào lại nôn rất khổ sở.

Vợ chuyển dạ trước ngày dự sinh hai tuần, đau 10 tiếng đồng hồ ròng rã mới có thể sinh. Chứng kiến vợ trải qua cơn đau, tôi chỉ hận không thể thay cô ấy chịu đau dù chỉ một lúc. Con trai tôi sinh ra khỏe mạnh, bụ bẫm, giống bố như tạc.

Sau khi sinh, dù có mẹ đẻ, mẹ chồng kề cận, vợ tôi hầu như làm mọi thứ, kể cả thức đêm chăm con. Bà nội, bà ngoại và cả tôi chưa phải thức đêm hôm nào. Cô ấy không muốn phiền hà đến mọi người, cho rằng thời kỳ mang thai và sinh nở là vất vả nhất rồi, việc chăm con là hạnh phúc, không có gì khó khăn.

Mẹ tôi rất hài lòng về con dâu, khen cô ấy chịu khó, lần đầu làm mẹ nhưng rất khéo léo, cẩn thận. Vợ ngày càng khiến tôi thêm yêu thương và tự hào.

Vài hôm trước, tôi bảo vợ xem chọn đặt tên gì để tôi đi làm khai sinh cho con. Vợ tôi nói: "Anh đồng ý cho con mang họ của em nhé?". Khuôn mặt vợ không có vẻ gì là đùa khiến tôi sửng sốt. Lẽ nào cô ấy có suy nghĩ đó thật?

Tôi nói không được, con có bố sao lại mang họ mẹ? Vợ tôi nhắc lại câu tôi nói trước kia, rằng việc gì pháp luật không cấm đều có thể được. Huống hồ, con là do cô ấy mang nặng suốt 9 tháng, đau đớn rứt ruột sinh ra, toàn tâm toàn sức chăm bẵm đêm ngày, tại sao lại không thể mang họ mẹ?

Cô ấy nói, bố mẹ tôi có hai đứa con trai. Anh cả cũng có con trai, con gái, tức là có cháu đích tôn, có người nối dõi rồi. Trong khi bố mẹ vợ chỉ có mình cô ấy, để con mang họ mẹ, họ của ông ngoại chẳng lẽ không được sao?

Tại sao sinh ra con trai thì cần người nối dõi, còn con gái lại không? Mà suy cho cùng, đứa bé mang họ mẹ trên thủ tục giấy tờ thôi, còn vẫn là huyết thống dòng dõi nhà tôi, không có gì thay đổi cả.

Tôi rất kinh ngạc trước lối suy nghĩ và lý luận của vợ mình. Chưa cần bàn đến việc cô ấy nghĩ như vậy là đúng hay sai, nhưng cứ nhìn chung xã hội từ trước đến nay, con cái bao giờ chả mang họ bố. Sao vợ tôi bỗng dưng lại đòi hỏi công bằng kiểu lạ đời như vậy?

Tôi cố nói cho vợ hiểu, không phải cái gì mình thấy có lý cũng là đúng, không phải cái gì mình muốn là được. Tên con có thể do cô ấy đặt, nhưng không thể tùy tiện để con mang họ mẹ. Kể cả tôi có đồng ý đi chăng nữa, còn bố mẹ tôi thì sao? Dù chưa nói ra, tôi chắc chắn bố mẹ không thể chấp nhận chuyện này.

Vợ tôi bảo, cô ấy sẽ đưa ra đề nghị này với bố mẹ chồng trước khi làm giấy tờ thủ tục khai sinh cho con. Tôi chỉ sợ, gia đình đang ấm êm, mối quan hệ nàng dâu và nhà chồng đang êm đẹp, chỉ vì vợ nói ra điều này mà bất hòa, xào xáo. Lúc đó, tôi không đứng về phía vợ thì tội cô ấy, mà bênh vực vợ thì sẽ khiến bố mẹ bất mãn, phiền lòng.

Tôi không biết mong muốn của vợ mình có phải là hy hữu hay không, nhưng không biết làm thế nào để khuyên cô ấy hoặc nói sao cho bố mẹ tôi có thể chấp nhận chuyện này.

Theo giadinhonline.vn