Có dạo, chị em chúng tôi hay đùa nhau rằng, tranh thủ sinh thêm con đi, có thưởng đó. Là bởi lúc đấy ra quy định, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, không vi phạm chính sách dân số sẽ được Chủ tịch UBND cấp huyện tặng giấy khen và hỗ trợ một triệu đồng.
Qua nay mạng xã hội lại ồn ào vụ một MC trẻ “nói đạo lý”: “Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng là một loại lương thiện”. Dù đã xin lỗi, nhưng với cách nói gây hấn, coi thường người nghèo ấy, anh vẫn nhận không ít gạch đá.
Những người phản đối anh MC nói, nếu cha mẹ vất vả nghèo khó mà con nên người, thì càng đáng trân trọng chứ sao! Đừng dè bỉu việc nghèo khó, càng không nên dùng chữ “lương thiện” trong trường hợp này.
Tuy vậy, cũng có người cho đây là một suy nghĩ thực tế, một người trưởng thành cần lo được cho bản thân, cho con, rồi hãy tính chuyện làm cha, làm mẹ. Nếu vợ chồng quá nghèo, hoặc bản thân đang có bệnh tật, nguy cơ đẻ con xong phải bỏ con cho cha mẹ già nuôi, hoặc để con lăn lóc mưu sinh... thì cần cân nhắc thật kỹ. Làm mẹ là một hạnh phúc vĩ đại, nhưng sẽ trọn vẹn nếu có thể chủ động lựa chọn việc cho ra đời một sinh linh, vào thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào thì phù hợp.
TPHCM vài năm gần đây có mức sinh dao động thấp nhất cả nước. Đã nhiều lần thành phố đề xuất "khuyến sinh", nhưng khảo sát ban đầu cho thấy, các bậc cha mẹ “lười” sinh con do lo ngại về chi phí nuôi con, vấn đề trường học, việc làm, nơi gửi con nhỏ… Một loạt chính sách ủng hộ việc sinh nở, trẻ hóa dân số, nhưng hiếm ai chỉ vì vài triệu đồng hỗ trợ đó mà quyết định sinh con.
Báo cáo mới nhất cho hay, dù tỉ lệ sinh tại TPHCM có tăng, nhưng vẫn chậm và rất thấp. Các nhà quản lý quan ngại bởi tương lai một người trẻ phải “gánh” 3 - 4 người già. Dân số mất cân bằng do thế hệ trẻ ngại sinh con thì mai mốt ai sẽ lao động nuôi lớp già? Nhưng cải thiện chất lượng dân số mới là điều nhiều người trăn trở, khi chứng kiến những đứa trẻ được sinh ra trong các khu nhà trọ tồi tàn, điều kiện sống thiếu thốn. Vấn đề là, người nắm được các thông tin về chính sách, hiểu rõ quyền lợi cũng như xem trọng chất lượng cuộc sống của bản thân và con cái, lại thường không ở mức nghèo. Việc hồn nhiên sinh con “vô tội vạ” cũng không thường xuyên rơi vào các hoàn cảnh này.
Đứa con phải là cầu nối tình yêu, hoặc là sự chủ đích lựa chọn, đón nhận của người làm cha mẹ. Không đòi hỏi nhiều, nhưng ít nhất chỉ nên sinh con khi có thể lo cho nó ở mức tối thiểu, an toàn và no ấm. Phụ nữ đừng sinh con vì “lỡ”, vì muốn dùng đứa trẻ để níu kéo, ràng buộc hay hàn gắn, thậm chí là uy hiếp tình cảm hoặc ai đó. Một cô gái trẻ sinh con vì thiếu hiểu biết, hoặc vì dại dột, thì đấy chẳng còn là vấn đề “lương thiện” hay không nữa rồi. Đã xưa lắm tư duy “trời sinh voi sinh cỏ”, những đứa trẻ ra đời khi cha mẹ không sủ sức nuôi dạy, chúng hồn nhiên lớn lên, trở thành gánh nặng cho mọi người.
Xã hội nhân văn không tước đi của ai thiên chức làm mẹ làm cha chỉ vì họ ít tiền. Cuộc sống sẽ có nhiều biến chuyển lạc quan, khi ta bền bỉ và cố gắng. Rất nhiều thiên tài và người nổi tiếng đã được sinh ra trong cảnh nhà đơn sơ, thiếu hụt đó thôi. Thế nhưng, hãy cứ cân nhắc, nhìn xa trông rộng, tự đặt câu hỏi xem, tôi sinh đứa con này vì muốn làm mẹ, muốn chào đón nó tới thế giới này hay không? Hay vì một vài lý do gì khác, có khi khó bày tỏ và chia sẻ? Trả lời được, ta sẽ thấy mình tràn đầy trách nhiệm và sẵn sàng làm mẹ.
Ý kiến bạn về việc này thế nào?
Theo phụ nữ TPHCM