Lãng quên là một triệu chứng phổ biến của người già. Ai cũng có thể mắc chứng lãng quên, và những người xung quanh thường cảm thông cho điều đó. Có những sự lãng quên đáng yêu, nhưng cũng có sự lãng quên dẫn đến những chuyện đau lòng. Nhất là khi người già lãng quên những lời hứa liên quan đến tài sản, tiền bạc.
Nỗi ấm ức của chị Hải Bằng đến nay, sau vài năm cha chồng chị mất, vẫn chưa nguôi. Chẳng là, khi cha chồng chị đau ốm, ngoài chị, không có ai chăm sóc.
Là con dâu, những việc như nấu ăn, sắc thuốc chị phải làm, nhưng ngay cả việc tắm, thay rửa cho cha chồng, chị cũng không đùn đẩy cho người khác được. Bởi hai người con trai khác và những người con gái của cụ đều không ai muốn nhúng tay vào. Họ coi việc chị chăm sóc cha chồng là điều tất nhiên.
Càng ngày họ càng tệ hơn, khi họ đinh ninh rằng cha chồng đã gửi chị giữ một khoản tiền lớn.
Vì trong một lần trò chuyện với các con, không hiểu sao cha chồng nói đã gửi chị Hải Bằng giữ một khoản tiền là 120 triệu đồng. Mặc dù ngay lúc đó chị khẳng định không hề có chuyện đó, nhưng các anh chị em chồng không tin. Họ nói đúng là cha mắc chứng lãng quên, nhưng thi thoảng trí nhớ đột ngột trở lại, việc cha nhớ đã gửi chị giữ tiền là có thật.
Nay cha chồng đã mất, nỗi oan về khoản tiền kia vẫn đeo bám chị. Cứ mỗi dịp giỗ cha mẹ, họ lại tìm cách gây gổ, đòi chị phải “nhả” số tiền đó ra chia cho mọi người.
|
Chứng lãng quên thường khiến người già trở nên cô độc (ảnh minh họa) |
Không phải là số tiền quá lớn, nhưng việc lãng quên “một chỉ vàng” của con gái gửi, cũng khiến ông bà Ba Xuân chịu ấm ức và một cái tết mất vui.
Tết vừa rồi, con gái ông bà Ba Xuân đưa 2 con về với ông bà. Những tưởng cháu ngoại về, gia đình sẽ đầm ấm lắm. Nhưng rồi con gái ông bà đã… đòi nợ cha mẹ. Chị nói chục năm trước có gửi nhờ mẹ giữ giúp một chỉ vàng, vì không muốn chồng biết, và để lo nhỡ ly hôn thì còn có ít vốn giắt lưng.
10 năm trôi qua, nay con gái đột ngột đòi chỉ vàng, bà Ba Xuân ngỡ ngàng, vì bà không thể nhớ có chuyện đó không. Bà quả thực đã quên, và bà tự hỏi, nếu quả thật có một chỉ vàng, thì hiện giờ nó ở đâu?
Tranh cãi gay gắt, chị con gái cho rằng nếu cha mẹ không trả, chị sẽ làm cho ra nhẽ.
Ông Ba Xuân không còn cách nào khác là vay tiền để trả con gái theo giá thị trường. Bao nhiêu năm qua, khi ông bà đau ốm, viện này viện nọ, hay nhà có việc lớn, cô con gái chẳng hề góp một đồng nào.
Khi chúng tôi mới kết hôn, mẹ chồng tôi bảo sẽ cho chúng tôi một suất đất để bán lấy vốn làm ăn. Đoán rằng không lâu sau giá trị đất sẽ tăng, nên chúng tôi quyết định không bán vội, mà để đó làm vốn. Tuy nhiên, tôi bàn với chồng, nói anh nhờ mẹ viết giấy xác nhận cho đất, tránh những phiền lụy về sau.
Chồng tôi không vui, anh nói tôi “tính chắc” thế làm gì. Mẹ nói cho là sẽ cho. Mấy năm sau, khi đất tăng giá, mẹ chồng tôi nói sẽ bán một số đi để dưỡng già. Tôi hỏi mẹ rằng suất đất mẹ hứa cho chúng tôi kia, bây giờ ra sao. Nghe câu hỏi của tôi, bà thản nhiên hỏi: “Tao nói cho bao giờ?”.
Khi chồng tôi xác nhận có việc bà hứa cho đất, bà chỉ im lặng, và sau này khi bán đất, bà cũng không đả động gì đến chuyện cho đất ấy nữa. Tôi không muốn vì lời hứa đã bị “quên” của mẹ chồng, mà mang tiếng tranh chấp tài sản, nên cũng coi như quên luôn.
Chứng lãng quên của người già kéo theo bao chuyện bi hài, hệ lụy khó lường. Như chị Hải Bằng, tiếng oan "nuốt tiền" của cha chồng có bao giờ gột được, khi những người anh em chồng cố chấp. Người già mắc chứng lãng quên chứ không cố ý, nhưng nếu người trẻ cố chấp, thì quả thực rất đáng sợ.
Theo phụ nữ TPHCM