leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Khi đang học đại học và chưa yêu ai, tôi rất tâm đắc câu của văn sĩ Lelend Foster Wood trong sách Đắc nhân tâm do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch: “Muốn có hạnh phúc trong gia đình, kiếm một người bạn trăm năm lý tưởng là điều không cần mấy, cần nhất là chính mình phải là một người bạn trăm năm lý tưởng đã”.

Khi ấy, tôi thích câu đó dù không giải thích rõ ràng được tại sao. Có lẽ hồi ấy tôi nghĩ, bản thân mình phải là một người mà người khác thấy là người yêu lý tưởng để thu hút người ta đến với mình, thay vì mong chờ hoặc tìm kiếm một người yêu lý tưởng.

Đến bây giờ, 20 năm sau, đã yêu và đã kết hôn, tôi bất giác nhớ đến câu trích dẫn ấy và hiểu rõ ràng tại sao mình thích: mình phải là người bạn đời lý tưởng đối với vợ/chồng mình. Hiểu được như vậy là điều rất quan trọng để vun đắp mối quan hệ.

Xét rộng ra, mình phải là người chủ động trong việc tạo dựng lên thứ mà mình mong muốn trong tình yêu, hôn nhân nói riêng và trong mọi lĩnh vực nói chung, thay vì mong chờ người khác mang đến cho mình. Mình phải biết bản thân muốn gì và chịu trách nhiệm nhiều nhất cho mong muốn ấy, đồng thời cũng vẫn cần những người khác hỗ trợ để đạt được ước muốn.

Trở lại với câu trích dẫn, tôi nghĩ, một người bạn đời lý tưởng là người làm cho/mang đến cho vợ/chồng mình những gì người ấy thực sự cần, chứ không phải những gì mình thích hoặc mình có sẵn. Mình phải quan tâm đến vợ/chồng thì mới biết người ấy thực sự cần gì, chứ không phải là dúi vào tay người ấy, bắt người ấy nhận những gì mình muốn làm cho/tặng cho họ.

Một người bạn đời lý tưởng phải biết ghi nhận, trân trọng những gì mà vợ/chồng làm cho mình, kể cả những thứ nhỏ bé nhất, không coi đó là lẽ đương nhiên. Đó cũng chính là lòng biết ơn - điều mà nhà nghiên cứu người Nhật Bản Masaru Emoto cho là “cội nguồn của một trái tim tràn đầy yêu thương”.

Quan trọng nhất là: một người bạn đời lý tưởng phải biết chấp nhận vợ/chồng của mình, không gò ép và không nuôi ý định gò ép người ấy thay đổi theo ý mình; chỉ nhìn vào những ưu điểm của người ấy và bỏ qua những khuyết điểm. (Thực ra, cái mà chúng ta cho là khuyết điểm ở người khác nhiều khi lại là do cách nghĩ và cách nhìn của chính chúng ta).

Nếu làm được vậy, có lẽ bất cứ ai lấy ta cũng có thể trở thành một người bạn đời lý tưởng. Khi ta là một người bạn đời lý tưởng như vậy, chắc chắn vợ/chồng ta cũng sẽ là người bạn đời lý tưởng - người luôn chăm chú lắng nghe khi ta nói, ghi nhớ những thứ ta mong muốn, kể cả những điều rất bé nhỏ và tìm cách mang chúng đến cho ta. Khi ấy, cuộc sống hôn nhân của đôi bên sẽ luôn tràn đầy tình yêu, lòng ta sẽ thấy dễ chịu và râm ran hạnh phúc.

Mà không riêng gì lĩnh vực hôn nhân. Khi ta là một “người lý tưởng” với những người khác, chắc chắn người khác cũng trở thành “người lý tưởng” với ta.

Theo phụ nữ TPHCM