Người ta có thể nhịn chồng đến mức nào?
Cập nhật lúc 23:46, Thứ hai, 19/06/2023 (GMT+7)
Chồng không bao giờ động tay vào việc nhà hay chăm sóc con. Ở gia đình khác, người vợ có thể chiều chồng và nhịn chồng đến mức nào nhỉ?
Tôi và chồng bằng tuổi với nhau, từng là bạn thanh mai trúc mã, cùng nhau lớn lên, bên nhau cả tuổi trẻ, rồi yêu thương nhau. Nửa năm sau ngày tốt nghiệp, chúng tôi về chung 1 nhà. Anh tốt tính, ân cần và luôn quan tâm, chiều chuộng tôi.
Tôi mang bầu bé đầu tiên liền sau đó, khi mới là giáo viên hợp đồng với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Chồng tôi sau khi ra trường không xin được việc mà chấp nhận làm công nhân ở gần nhà. Ở tháng thứ 6 của thai kì, tôi cũng nhận tin chồng đi nghĩa vụ quân sự. Tôi sinh con không có chồng ở bên, chăm con cũng không có sự giúp đỡ của chồng. Mãi cho đến khi con bắt đầu đi nhà trẻ, chồng mới xuất ngũ.
Quãng thời gian 2 năm anh đi lính, tôi xoay xở làm thêm đủ thứ việc: nấu chè, làm sữa chua, làm kem bán online, nhận quần áo về nhà sửa... May nhờ có bên nhà ngoại hỗ trợ, tôi được vào biên chế nên thu nhập có tăng lên chút ít, co kéo khá chật vật nhưng cũng đủ tiền nuôi con.
|
|
Tôi phải đảm đương hầu hết trách nhiệm lớn nhỏ kể từ khi về nhà chồng (ảnh minh họa) |
Đi lính về, anh bảo: “Cứ ở nhà một thời gian, nghe ngóng xem thiên hạ họ làm gì đã". Tôi vui vẻ đồng ý, vì nghĩ có anh sẽ giúp tôi nhẹ gánh việc nhà. Ấy thế nhưng chồng ngày càng lười biếng. Anh ở nhà cả ngày chỉ xem điện thoại, chiều đến thì đi đá bóng rồi đàn đúm bạn bè. Quần áo thay ra vứt từ buồng ngủ cho đến phòng khách. Tôi luôn phải theo sau anh để dọn dẹp. Tối đến, anh chỉ chơi với con được một lát rồi lại lên giường bấm điện thoại.
6 tháng sau, anh xin vào làm nhân viên sân golf, nhưng cũng chỉ được 1 năm anh bỏ việc vì “suốt ngày phơi nắng mà lương chẳng được bao nhiêu”. Anh bàn với tôi và mẹ anh để vay mượn cho 500 triệu đồng, một phần để lo xin việc làm cho anh đúng theo ngành học trong cơ quan nhà nước trong thành phố, cách nhà gần 30km, phần tiền còn lại mua một chiếc xe hơi “che mưa che nắng”.
Đúng lúc đó, tôi biết mình có bầu bé thứ 2. Nghe anh nói về công dụng, sự an toàn của ô tô, tôi cũng thấy hợp lý. Tôi vay mượn khắp các nguồn quen biết để chạy việc, rồi mua xe cho anh. Thế là cứ sáng anh quần áo bảnh bao ra khỏi nhà, đến tối mới về. Có hôm tôi đến lịch đi khám thai, nhờ anh chở, anh cũng có lý do để từ chối.
Công việc mới thu nhập có tốt hơn, nhưng anh hay tiếp khách đến muộn. Hàng tháng, tôi nói chồng đưa một phần lương cho tôi để trả nợ, nhưng anh chỉ đưa được vài tháng thì ngưng.
Anh giải thích: “Tiền xăng và tiếp khách tốn kém, giờ anh cần xây dựng mối quan hệ. Mà em tiêu gì mà lắm thế. Tiền chứ có phải lá mít đâu?”.
Cách nói của anh khiến tôi tổn thương và chán nản. Cũng may bầu bì nhưng tôi không quá mệt mỏi nên vẫn cố gắng làm thêm và bán hàng online được. Đó cũng là lý do tôi cố nhịn anh.
Chiều hôm qua, anh về sớm rồi thay đồ đi đá bóng, để mặc tôi vừa nấu cơm, vừa dọn nhà, vừa chăm con. Về đến nhà, anh vứt quần áo bẩn trên sàn, đi tắm rồi lên ghế sô pha nằm xem điện thoại. Lúc tôi đang cho con ăn, vừa lúi húi gói hàng trong bếp thì thấy chồng quát tháo: “Sao giờ này vẫn chưa có cơm? Tính để chồng chết đói à?”.
Sẵn những ức chế trong lòng, tôi la lớn: “Anh đi rước con khác về làm vợ xem nó có nấu cơm cho anh ă không, nó có chịu được người chồng nằm dài không? Anh chỉ giỏi tiêu chứ có đưa đồng bạc nào cho tôi mà đòi hỏi?”.
Chồng xộc xuống bếp tặng cho tôi một cát tát choáng váng. Ít phút sau, tôi gom quần áo giấy tờ, tiền bạc, bế con ra bến xe, tìm chuyến sớm nhất để về nhà ngoại, bỏ mặc những lời chửi mắng của anh ở phía sau.
Trên hành trình về quê, tôi ôm con khóc và nghĩ mãi. Kết hôn với người mình yêu, mình chọn, tôi đã sai từ chỗ nào? Ở gia đình khác, người vợ có thể chiều chồng và nhịn chồng đến mức nào? Tôi có công việc tốt, có nhà ngoại thương yêu, có đứa con ấm áp thế này, nhưng tôi vẫn không đủ sức lực và tinh thần để chịu đựng con người ích kỷ đó. Bế con ra đi khi đang bầu bì thế này, điều gì sẽ chờ đợi tôi phía trước?
Theo phụ nữ TPHCM