Nhớ hồi anh rể tới nhà hỏi cưới chị Hai, má hỏi: “Con hiểu rõ tính tình con má chưa, có hợp với nó không, 2 đứa có sống đời với nhau được không?”. Lúc đó, anh rể bối rối, gãi đầu gãi tai, mặt đỏ lừ. Anh Ba cười khùng khục, khều tôi: “Bả “nuốt trọng” ông này ngon ơ cho mày coi, chắc luôn”. Tôi thì băn khoăn, không biết đó là phước của chị Hai hay là bất hạnh của anh rể.

Chị Hai tôi vốn bộc trực, thẳng tính. Ai làm sai là bị chị nói thẳng mặt không thương tiếc. Biết tính chị vậy nên trước ngày chị đám cưới, má căn dặn: “Thẳng tính quá dễ mất lòng nha con. Chồng có sai thì nhỏ nhẹ góp ý, chừa cho chồng chút mặt mũi, chừa cho mình đường lui. Vợ chồng phải nhường nhịn lẫn nhau, đừng chuyện gì cũng trách móc giận hờn, nặng nề lắm nha con”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị cười khì, trấn an má: “Tính con thẳng thắn nhưng cũng biết trước biết sau, má đừng lo”. Không dưng má thở dài. Má chỉ mong trải nhiều đắng cay, được mất, chị sẽ thấu hiểu lẽ đời, biết tiết chế lời nói để hôn nhân của chị ấm êm.

Người xưa có câu “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”, thật đúng vào trường hợp của chị Hai. Bạn bè của anh rể tới nhà rủ anh đi nhậu, chị Hai cười cười, hỏi: “Chồng tôi nhậu nhẹt rồi sinh bệnh, các anh có nuôi ngày nào không? Có đưa tiền cho ảnh nuôi con không?”. Mấy người bạn anh liền rút êm.

Bữa nào anh rể bận việc, gọi chị đi đón con; chị nói đã phân công rồi - chị lo chợ búa cơm nước, anh lo đón con, không đón được thì tự giải quyết. Anh rể đành gọi cho tôi. Thấy tôi chở bé Bắp về, chị quạu: “Chị không dung túng kiểu tùy tiện, vô trách nhiệm của ổng. Mày tài lanh quá”. Tôi nói chị đừng cứng nhắc quá, anh rể chán, có bồ cho coi. Chị thản nhiên: “Đố ổng dám”.

Ba má anh rể chia tài sản cho 3 người con bằng nhau. Chị Hai không vui, nói sau này ba má đau ốm, viện phí nhớ chia đều. Tối muộn, đồng nghiệp nữ gọi điện trao đổi công việc với anh rể, chị liền giật máy: “Khuya rồi cô còn gọi cho chồng tôi là có ý gì?”. Bao lần, chị và anh rể cãi nhau cũng vì những cơn bốc hỏa bất thường của chị.

Tôi can chị đừng làm mất mặt chồng. Người không còn uy tín thì làm việc kiểu gì, còn chơi với ai. Chị nói tôi bênh người ngoài, nói tôi không có tầm nhìn xa. Con nhỏ đó thả thính chồng chị, chị phải ngăn chặn trước… Giờ thì tôi đã hiểu tại sao anh rể dần ít bạn bè, người nhà anh cũng đã lâu không lui tới. Là chị đang đẩy anh rời xa người thân và có thể đẩy anh vào vòng tay người phụ nữ khác. Chị tưởng mình thông minh, sâu sắc, dứt khoát; đâu biết rằng chị đang làm mất dần tình cảm vợ chồng, biến tổ ấm thành tổ nguội.

Dạo sau này anh rể thường lầm lì không nói. Chị ở nhà sau, anh ra nhà trước. Tới bữa cơm anh chỉ ăn qua loa rồi buông đũa, mặc chị huyên thuyên chuyện nhà, chuyện lối xóm. Chị nghi anh có bồ. Rình rập, theo dõi, lục túi, lục điện thoại của anh chán chê, chị vẫn không phát hiện được gì.

Chị than với má: vợ chồng người ta ríu rít không hết chuyện, vợ chồng chị 1 ngày không nói với nhau quá 3 câu. Chồng người ta đi du lịch, đi tiệc cũng dẫn vợ theo, chồng chị không muốn ra đường cùng chị. Chị chán lắm rồi, hết hy vọng gì rồi, phen này không ly hôn không xong.

Má khuyên chị nên để anh rể có không gian riêng, được làm những điều mình muốn; đừng chuyện gì cũng can thiệp, chỉ đạo. Sự thẳng tính của chị khác nào mũi dao chọc ngoáy vào lòng tự trọng của anh rể, khiến anh tổn thương. Má dặn chị phải ứng xử khéo léo, tế nhị để giữ thể diện cho chồng. Trong mọi việc phải biết dung hòa, nhẫn nhịn, nghĩ giùm người khác...

Chị Hai bật khóc: “Vậy ra trước giờ con sai sao má? Con cực khổ gìn giữ gia đình là sai sao má?”. Má im lặng, vì câu hỏi của chị cũng là câu trả lời. Trước giờ chị luôn cho mình đúng, mình hơn người. Đã không biết sai, làm sao biết lỗi để sửa? May là anh rể vẫn kiên nhẫn và giỏi chịu đựng, vẫn đang cho chị cơ hội để sửa sai.

Hy vọng những lời của má sẽ khiến chị tỉnh ngộ, biết thay đổi bản thân để vợ chồng yên ấm.

Theo phụ nữ TPHCM