Iryna Dukhota kết hôn với chồng 26 năm, sau khi gặp anh lần đầu ở Kyiv (Ukraine). Nhưng vài ngày trước, giữa đám đông hàng nghìn người ở biên giới Ukraine - Ba Lan, cặp đôi run rẩy không nén được nước mắt. Sau ngần ấy năm, họ đã đến lúc phải nói lời chia tay.

“Tôi nói với anh ấy rằng chúng tôi sẽ sớm gặp lại nhau”, cô Dukhota nói. Nhưng giờ đây, cô thậm chí không dám chắc có thể gặp lại chồng mình hay không.

 
 
 
nguoi ti nan Ukraine anh 1

Một người đàn ông khóc khi nói lời tạm biệt với gia đình trước chuyến tàu sơ tán tại một nhà ga ở Odessa, vào ngày 7/3. Ảnh:AFP.

Khi quân đội Nga tấn công Ukraine từ phía bắc, phía nam và phía đông, một làn sóng di cư với hàng triệu dân thường ồ ạt đổ về khu vực biên giới. Nhưng các cửa khẩu quốc tế là “một màng lọc” đau đớn, chia cắt các gia đình.

Chính phủ Ukraine yêu cầu đàn ông 18-60 tuổi không được phép rời khỏi đất nước, trừ khi họ có ít nhất ba con hoặc làm việc trong một số lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn vận chuyển vũ khí.

Vì vậy, đám đông đổ về Ba Lan, Hungary và các quốc gia láng giềng khác hầu như chỉ có phụ nữ và trẻ em. Những người đàn ông Ukraine, dù muốn hay không, đều ở lại để chiến đấu. Do đó, nhiều phụ nữ xem cuộc chia ly này như “chết đi một lần”.

Điểm chia cắt

Thị trấn Medyka, ở biên giới Ba Lan - Ukraine, là một trong những điểm chia cắt các gia đình. Những con đường giờ đây chật kín phụ nữ và trẻ em Ukraine đi về phía tây.

Những người tị nạn cho biết họ cảm thấy bị chia cắt không chỉ với đất nước mà còn với gia đình. Họ hoang mang, lạc lõng và cô đơn.

“Tôi vẫn không thể tin rằng mình đang ở đây”, Iryna Vasylevska, người vừa chia tay chồng ở Berdychiv, một thị trấn nhỏ đang bị bao vây ở phía bắc Ukraine, nói. Cô đưa hai đứa con 9 và 10 tuổi đến Ba Lan để thoát khỏi cảnh chiến sự, nhưng Vasylevska đã bị căng thẳng đến mức mất ngủ suốt hai ngày qua và không thể ăn được nhiều.

Chồng của cô, anh Volodymyr, đang chờ ở nhà để được chính quyền hướng dẫn thêm. Khi nói chuyện qua điện thoại, anh có vẻ buồn vì phải cách xa vợ con hàng trăm km nhưng vẫn khẳng định: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi biết họ không còn nghe tiếng còi báo động nữa”.

 
 
 
nguoi ti nan Ukraine anh 2

Nhiều gia đình bị chia cắt vì cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh:AFP.

Trong khi đó, anh Alexey Napylnikov, người thúc giục vợ và con gái chạy trốn vì sự an toàn, cho biết: “Cuộc chia ly này giống như rơi vào cảnh trống rỗng. Tôi không biết liệu mình có bao giờ gặp lại họ hay không".

Không chỉ có các cặp vợ chồng bị chia cắt, những gia đình nhiều thế hệ ở Ukraine cũng phải chịu cảnh rạn nứt. Trong số những người tị nạn đi qua biên giới, hầu như không có người lớn tuổi, phần lớn họ đã chọn ở lại gắn bó với quê hương.

Bà Svetlana Momotuk, 83 tuổi, nói qua điện thoại từ căn hộ ở Chornomorsk, gần cảng Odessa: “Tôi đã từng trải qua chuyện này trước đây và âm thanh của còi báo động không làm tôi sợ hãi”. Bà cảm thấy nhẹ nhõm khi con cái đã rời đi, dù rất nhớ họ.

Cảm giác tội lỗi

Khi bước qua biên giới, thay vì cảm thấy nhẹ nhõm do thoát khỏi cảnh chiến sự, nhiều người tị nạn lại chìm trong cảm giác tội lỗi. Nhiều phụ nữ cho biết họ cảm thấy tồi tệ khi bỏ lại chồng và cha mẹ ở nơi nguy hiểm.

"Có một nỗi buồn nào đó trong tôi", cô Dukhota nói dù đã an toàn ở Ba Lan.

Chồng cô chưa bao giờ cầm súng trước đây, anh từng sở hữu một chuỗi cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, giờ đây, giống như rất nhiều người đàn ông Ukraine khác, anh đã đăng ký tham gia một đơn vị phòng thủ địa phương để đối đầu với lực lượng Nga.

 
 
 
nguoi ti nan Ukraine anh 3

Những người tị nạn Ukraine tiếp tục hành trình đến Warsaw (Ba Lan) trên chuyến tàu từ Przemysl. Ảnh:New York Times.

Những người tháo chạy khỏi Ukraine cũng lo lắng về sự oán giận từ bạn bè và gia đình - những người ở lại. Họ lo sợ sẽ bị coi là không có lòng yêu nước vào thời điểm khủng hoảng lớn.

Tuy nhiên, một số người cho biết cuối cùng họ vẫn quyết định rời đi khi còn có thể, vì sự an toàn, sự tỉnh táo của bản thân và con cái.

“Trong sáu ngày, chồng tôi bảo tôi rời đi nhưng tôi luôn từ chối”, cô Dukhota kể lại.

Cô không muốn ở một mình, và cũng giống như rất nhiều người khác, cô không ngừng hy vọng rằng giao tranh sẽ dừng lại trong một hoặc hai ngày. Nhưng khi các vụ đánh bom xảy ra gần hơn, cô đã mủi lòng và quyết định rời đi.

Nhiều phụ nữ cho biết chồng của họ đã chở họ đến tận biên giới. Mỗi cặp vợ chồng đều nhớ những lời cuối cùng họ dành cho nhau.

“Xin đừng lo lắng, mọi thứ sẽ ổn thôi”, đó là lời cuối cùng Vasylevska nói với chồng mình. Sau đó, cô bật khóc.

Theo Zing