|
|
Tôi phản đối mối quan hệ của mẹ và chú Cường vì nhiều lý do (Ảnh minh họa) |
Sau nhiều đắn đo, tôi rụt rè gọi điện cho chú Cường. Cách đây vài năm, cuộc nói chuyện cuối cùng giữa hai chú cháu diễn ra rất gay gắt. Tôi đã tuôn những lời nặng nề còn chú chỉ trầm ngâm: “Chú biết, nhưng chờ đến khi cháu hiểu ra, sợ đã muộn”.
Lúc đó, tôi không nghe lời giải thích mà chỉ muốn tìm cách chấm dứt mối quan hệ giữa mẹ và người đàn ông này.
Chú Cường là bạn của ba mẹ, tôi biết chú khi còn nhỏ qua những câu chuyện rời rạc trong gia đình. Đó là những lần ba mẹ cãi nhau, ba thường nhắc đến tên chú với thái độ giận dữ.
Sau này lớn lên, tôi được biết, chú Cường từng là người yêu cũ của mẹ và ba luôn ghen tuông với chú. Vì lý do nào đó, chú không lấy vợ, bỏ đi làm ăn biền biệt ở miền Nam, mới trở về quê khoảng gần chục năm.
Khi chú về, ba tôi đã mất, một mình mẹ nuôi hai chị em. Thỉnh thoảng chú lui tới nhà tôi để giúp đỡ việc này việc kia như sửa điện, dọn vườn, đảo mái ngói. Em gái tôi thích những món quà của chú, còn tôi thì không.
Trong thâm tâm, tôi nghĩ người mà ba tôi ghét thì tôi không thể yêu thương được. Mẹ không nói ra, nhưng tôi biết mẹ vui mỗi lần chú Cường ghé nhà.
Mẹ buộc vội mái tóc xuề xòa, soi gương chỉnh cổ áo rồi giọng nói cũng dịu dàng hơn. Tôi thấy tức tối vì nghĩ hành động đó chẳng khác gì sự phản bội, dù ba không còn.
Mẹ và chú Cường vẫn giữ mối quan hệ như thế cho đến khi tôi đi học đại học. Ở xa, tôi phải nhờ em gái báo tin tức để biết được tình hình ở nhà. Mỗi khi biết chú Cường đến chơi lâu, tôi lập tức gọi điện về gây sự với mẹ, dù chẳng có lý do gì.
Rồi tôi lấy chồng, em gái đi học xa, mẹ ở nhà một mình. Tôi vẫn có những chuyến về thăm nhà không báo trước để "kiểm tra" mối quan hệ của mẹ. Một lần, tôi trở về giữa trưa nắng, thấy mẹ và chú Cường đang ăn cơm trong nhà, người tôi như bốc hỏa.
Nhưng tôi vẫn giữ bình tĩnh để nói chuyện, chú Cường cũng bày tỏ ý định muốn tiến đến với mẹ để những năm tháng tuổi già đỡ hiu quạnh. Tất nhiên tôi phản đối quyết liệt, thậm chí hỗn hào đã đuổi chú ra khỏi nhà.
Ngay hôm sau, tôi lên tiệm ảnh trên huyện, rửa rất nhiều tấm hình của ba, của cả gia đình rồi về treo khắp nhà. Tôi muốn mẹ nhìn vào đó mà quên đi cái ý định đi bước nữa với chú Cường. Sau lần đó, chú Cường không đến nữa, mẹ tôi cũng ít cười hẳn.
Nhiều người khuyên tôi nên mở lòng mình, chúng tôi không thể ở bên chăm sóc mẹ hàng ngày, mẹ cần một người sớm tối đỡ đần. Nhưng tôi nghĩ, với khoảng cách chưa đến 40 cây số, vợ chồng tôi lại có xe hơi thì việc về với mẹ khi cần rất dễ dàng.
Tôi chăm lo cho mẹ có thiếu thứ gì từ quần áo, sữa, thuốc bổ đều đặn, mỗi ngày đều gọi điện qua video, tiện nghi trong nhà đầy đủ. Thế chẳng phải tốt hơn để mẹ đi lấy chồng ở tuổi xế chiều, lại mang cực vào thân khi phải hầu hạ cơm nước, lo cho một ông già.
|
|
Dù tôi cố gắng chăm lo đầy đủ cho mẹ nhưng không thể ở bên khi mẹ cần. (Ảnh minh họa) |
Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó cho đến gần đây. Khi tôi nhận được tin báo mẹ ngã trong nhà tắm, phải đi viện cấp cứu, nhưng tôi không thể về được. Khu vực tôi ở thuộc vùng đỏ phải cách ly y tế do dịch bệnh, em gái ở xa càng không thể.
Lòng tôi nóng như lửa đốt khi biết mẹ bị ngã do một cơn tai biến nhẹ. Tôi gọi điện nhờ họ hàng, mọi người đều có lý do để từ chối vào viện trong lúc dịch giã. Bí bách quá tôi mới gọi cho chú Cường, nhờ chú chăm mẹ.
Chú không chấp nhặt chuyện trước đây mà nhận lời ngay. Có chú bên mẹ, tôi yên tâm hơn hẳn. Đến lúc này, tôi mới thấm thía, có tiền, có xe cũng không thể về với mẹ khi cần.
Suốt mấy chục năm vò võ nuôi con một mình, mẹ có quyền được có hạnh phúc riêng. Nếu mẹ có vất vả một chút khi phải chăm sóc chồng, thì đó cũng là niềm vui và sự lựa chọn của bà. Đến bây giờ tôi mới nhận ra điều đó, liệu rằng mọi chuyện quá muộn như lời chú Cường từng nói.
Theo phunuonline