Cô Hạnh Dung thân mến,

Cháu và anh yêu nhau đến nay đã được 6 tháng. Thế nhưng quen nhau thì cũng đã 2 năm. Cháu đã đưa anh về nhà cháu, chào ba má cháu đàng hoàng. Năm nay cháu 32 tuổi, anh cũng đã 36. Trước khi quen nhau, cháu cũng đã có 2 lần chia tay...

Tất cả mọi thứ của cháu, cháu đều kể anh nghe, những nỗi buồn, niềm vui... trong quá khứ cháu đều kể anh nghe hết. Thế nhưng ngược lại, anh không hề kể gì cho cháu nghe về anh cả. Cháu chỉ biết duy nhất là anh mồ côi từ nhỏ, ba mẹ anh mất sớm. Anh sống với bà. Bà nay cũng đã già và sống với một người cháu khác ở quê.

Cháu thấy anh rất thương bà, thường xuyên gửi tiền về cho bà, mua quà cho bà. Thế nhưng anh chưa bao giờ ngỏ ý đưa cháu về quê thăm bà. Anh cũng không kể rằng anh đã có bao nhiêu mối tình, vì sao chia tay và anh đã từng sống thế nào, vui buồn ra sao, làm sao anh phấn đấu để mua được căn hộ ở thành phố...

Anh chỉ nói cháu là anh muốn đưa bà lên thành phố sống với anh, để anh phụng dưỡng bà. Anh cũng không hỏi ý cháu là như thế cháu có đồng ý không, có thấy thoải mái không?

Ngoại trừ tất cả những điều đó thì anh đối xử với cháu rất tốt, anh chăm sóc cháu và yêu thương cháu đến mức ba má cháu cũng cảm động. Thậm chí, khi mẹ cháu có ý chê anh là con mồ côi, sợ không được nuôi dạy đàng hoàng, ba cháu còn cãi nhau với mẹ cháu và bảo rằng: "Nó thế nào thì bà thấy rồi. Con bà không phải làm dâu, lại có sẵn nhà cửa, xe cộ khi về làm vợ, bà còn muốn gì".

Thế nhưng, với cháu, quá khứ của anh quá bí ẩn, khiến cháu không an tâm. Vả lại, khi anh không kể gì hết, cháu sợ anh có điều gì khuất tất, giấu diếm. Cháu phải làm sao để có thể biết được quá khứ của anh? Điều đó có quan trọng không cô? Cháu thì thấy là quan trọng, vì quá khứ làm nên bản chất của con người hôm nay, phải không cô?

Thanh Hoa

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Cháu Thanh Hoa thân mến,

Cháu đang nói rằng quá khứ làm nên bản chất con người ngày hôm nay. Điều quan trọng là cháu đã thấy gì trong bản chất ngày hôm nay của người yêu khiến cháu phải hoang mang, lo lắng về quá khứ của anh ấy vậy? 

Nghe cách cháu tả, nghe những điều ba mẹ cháu hài lòng về người yêu cháu, cô thấy rằng cháu đã có được những kiểm chứng tốt rồi đấy chứ?

Không chỉ là 6 tháng chính thức yêu nhau, mà hai cháu đã có đến 2 năm quen biết trước đó. Không chỉ là cảm xúc của cháu, mà còn là nhận xét của những người luôn luôn sẽ khắt khe đánh giá, vì tương lai con gái họ phụ thuộc vào người con trai này, họ không thể hồ đồ được. Vậy mà cháu vẫn còn thấy chưa yên tâm hay sao?

Có rất nhiều người không thích nói về quá khứ, nhất là khi quá khứ đó có điều gì đó buồn, khổ, khiến họ không thể không đau, không tổn thương khi nhớ lại. Cũng có những người thận trọng, dè dặt khi kể lể về quá khứ, nếu như điều đó có thể ảnh hưởng đến một ai đó...

Phụ nữ thường có thói quen chia sẻ, tâm sự, cho rằng khi yêu nhau có nghĩa là phải biết tất tần tật về nhau. Đàn ông có khi lại không thích tâm sự. Họ không nghĩ rằng phải có nghĩa vụ nói hết quá khứ của mình. Họ cho rằng hiện tại mới là quan trọng, và họ đã dành hết cả tấm lòng của mình cho hiện tại, là đủ. Sao cháu không nghĩ tới điều đó mà vội kết luận rằng người yêu có gì đó giấu diếm?

Nếu cháu tin vào anh ấy hôm nay, thì hãy để cho anh ấy có cơ hội mở lòng từ từ trong những ngày sắp tới. Tuổi thơ của một đứa trẻ mồ côi thường không có nhiều niềm vui. Khi anh ấy cần phải trút bỏ những gánh nặng nào đó, hay chỉ đơn giản là muốn nhớ lại, muốn kể ra... mà cháu là người anh ấy tin tưởng, anh ấy sẽ nói. 

Riêng một chi tiết anh ấy muốn đưa bà lên để phụng dưỡng, chăm sóc, theo cô đã thể hiện đó là một người đàn ông sống có trách nhiệm, tình cảm. Thế nhưng cháu lại xét nét điều đó ở một góc độ "giành giật". Cháu muốn người đàn ông đó sẽ vấp phải sự chọn lựa mà cháu đưa ra: Bà hay là cháu, hay sao?

Trong trường hợp đó thì Hạnh Dung nghĩ cả về lý và tình, cháu đều không thể và không nên chiếm thế "thượng phong". Người đàn ông vì cháu mà từ bỏ nghĩa vụ với người bà nuôi mình khôn lớn sẽ là người đàn ông chẳng ra gì.

Đã biết là như thế, sao người ấy còn phải đặt ra vấn đề đó với cháu? Để năn nỉ, để thuyết phục, để có được sự đồng ý của cháu hay sao? Cô nghĩ người ấy tin rằng cháu tự hiểu và tự đồng ý với quyết định của người yêu, mới là sự xứng đáng.

Dù sao, nói là để nói vậy thôi, còn vấn đề về lòng tin, chẳng nên nghe lời thuyết phục của người ngoài, dù có là chuyên gia tâm lý. Cháu hãy tự lắng nghe bản thân mình, xem cháu có muốn đặt lòng tin vào người đàn ông này hay không?

Cháu cũng hãy nhìn trước mọi khó khăn khi phải song hành với một người có thể là tính tình kín đáo, có thể là vẫn sẽ luôn có một thế giới riêng của mình, không muốn ai phải nặng lòng về nó. Chọn lựa sao cho thấy thoải mái, thấy phù hợp với cháu, mới là đúng nhất!

Theo phụ nữ TPHCM