Chào chị,

Mình đã 39 tuổi, đổ vỡ một lần, đang sống với con trai và mẹ già. Mình độc lập về kinh tế, nghề nghiệp ổn định.

Gần đây, mình đang tìm hiểu 1 anh người Mỹ, 2 đời vợ, là lính giải ngũ, có thu nhập hàng tháng ổn định. Mình muốn tự lo tài chánh, để thoải mái chăm sóc mẹ và con trai, nên anh ở với mình, tất cả chi phí mình lo, dù anh có ngỏ lời muốn trả phần anh sòng phẳng.

Anh tốt bụng và hiền lành. Tuy nhiên, cũng có một điều lấn cấn: anh không chịu cưới mình, anh nói vì cuộc hôn nhân trước, anh bị người vợ cũ lừa gạt hết tài sản, nên không muốn điều này lặp lại.

Anh nói sẽ làm lễ cưới, nhưng không làm giấy tờ, mình không mong đợi gì, mình cũng đồng ý. Thương nhau thật lòng, mình chẳng cần tiền bạc gì cả, mình kiếm tiền đủ lo cho cả 4 người.

Nhưng khi mua nhẫn, anh lại muốn mua nhẫn kim cương nhân tạo, không mua nhẫn thật, và cũng không muốn công khai đã kết hôn trên mạng xã hội. Trong khi đó, anh lại có tiền mua đất, mua xe cho nhà người mợ họ xa ở dưới quê, mà không suy nghĩ gì.

Mình không quan tâm tiền của anh, nhưng mình cảm thấy người ta không đủ thương mình. Chị cho mình lời khuyên nhé!

Nguyễn Mai Anh

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Chị Mai Anh thân mến,

Điều mà chị cảm nhận là đúng đấy chị. Người đàn ông mà chị đang yêu thương và muốn gắn bó lâu dài không thương chị đủ để tin tưởng chị, để mong muốn mang đến cho chị niềm vui và hạnh phúc, để là người bảo vệ, che chở và sẵn sàng ở bên cạnh chị suốt đời đâu.

Có thể điều đó là do anh ấy là "con chim đậu cành cong", nghĩa là từng bị lừa gạt bởi một người phụ nữ như anh ấy nói, và giờ anh ấy mất lòng tin. Những cũng hoàn toàn có thể do tình yêu của anh ta không có, hay do bản tính là người ích kỷ không biết yêu thương, và không dành đủ yêu thương cho bất kỳ ai.

Nhưng dù sao thì chúng ta cũng không cần phải phỏng đoán làm gì, chỉ cần nhìn vào bản chất của mối quan hệ thông qua những biểu hiện hành động, để mà quyết định cho mình là được.

Có thể không đánh giá việc anh ta mua nhẫn kết hôn rẻ tiền cho chị, hay không muốn công khai mối quan hệ trên mạng xã hội. Vì đó có thể là cá tính của một người, khi anh ta không thích những gì quá hào nhoáng, hay không thích bị nhòm ngó đời sống riêng tư.

Nhưng kết hợp hai điều đó với việc anh ta từ chối đăng ký kết hôn thì lại thành những bằng chứng hoàn hảo cho tình cảm nhạt nhẽo, hờ hững, lỏng lẻo mà anh ta dành cho chị. Nó giống như một sự tạm thời, một cuộc sống chung cho có một người bên cạnh, cho giống với đời thường mà thôi.

Điều này, cộng thêm với việc chị tình nguyện lo toan mọi chi phí sinh hoạt cho anh ta, sẽ chỉ khiến anh ta càng thêm vô trách nhiệm với đời sống chung của hai người. Quá tiện lợi và dễ dàng đến mức anh ta không cần phải có tình yêu, trách nhiệm và sự hy sinh để gắn kết và giữ gìn.

Trong hôn lễ của những người theo đạo Thiên Chúa, người ta thề hẹn không chỉ yêu nhau, nâng đỡ nhau, bảo vệ nhau trong lúc vui vẻ, hạnh phúc, mà còn cả trong những ngày tai họa, đau khổ, bệnh tật... Bởi những ngày đó sẽ xảy ra là điều tất yếu trong đời sống con người. 

Hạnh Dung thật sự không hiểu vì sao chị lại chọn việc lo lắng toàn bộ đời sống của gia đình, trong khi anh ta hoàn toàn có khả năng và cũng có đề nghị điều đó?

Việc chị muốn độc lập và thoải mái chăm sóc mẹ và con chị đâu có bị can thiệp gì bởi chuyện người đó thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của anh ta trong đời sống chung? Bởi đó ít ra là điều tối thiểu anh ta cần phải làm, phải chịu trách nhiệm. Nghĩa là cho chính bản thân mình, chứ chưa phải là cho những người anh ta yêu thương và gắn bó.

Vậy chị nghĩ rằng một người đàn ông đã, đang và sẽ có thói quen sống như một đứa trẻ trong nhà chị, rồi sẽ tự nhiên trở thành cây cao bóng cả, thành mái nhà che mưa nắng cho chị và người thân của chị khi cuộc sống sẽ xuất hiện những điều khó khăn hay sao?

Theo phụ nữ TPHCM