Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em lấy chồng được 6 năm, có 1 bé 3 tuổi. Hiện tại, vợ chồng em ở chung với gia đình chồng. Chồng em là con trai út trong gia đình, các chị đã lập gia đình ra riêng nên ba má chồng em coi việc sống chung là chuyện lâu dài.

Nhà chồng em khá rộng rãi, ba má ở tầng trệt, vợ chồng em ở tầng trên, sinh hoạt chung của cả nhà thường diễn ra ở tầng trệt. Em biết tính ba má khó nên cố gắng để ý nhà cửa. Nhà em ở quê, sinh hoạt thoải mái hơn.

Hè này, vợ chồng anh trai em ở quê có ý gửi con lên thành phố để học thêm tiếng Anh trong kỳ nghỉ hè. Hoàn cảnh anh chị không dư dả gì nên tính xin cho cháu ở nhờ nhà, đi học cũng gần, đỡ bớt chi phí sinh hoạt. Em cũng khó nghĩ vì nhà cửa là của ba má, không phải nhà em. Nhưng anh chị Hai nhờ vả tha thiết quá, chồng em cũng đồng ý cho cháu lên ở vài tháng. Chồng em nói nhà mình rộng rãi, cháu ở cũng đâu có vấn đề gì.

Cháu em đã lên ở được gần 1 tuần. Em thấy ba chồng vui vẻ nhưng má chồng hơi khó chịu. Buổi tối, cháu em ngồi ở bàn quá 9g một chút là bà đi ra bắt tắt đèn. Bà nói đèn sáng, đồ đạc lục đục làm bà không ngủ được.

Em mua cái ghế bố để cháu ngủ trên lầu với vợ chồng em. Bình thường má ít khi lên lầu nhưng mấy hôm nay má lên, kêu ngủ dậy thì phải xếp ghế lại. Cháu em mới 13 tuổi, quen cách sinh hoạt ở quê, tự nhiên thoải mái, có nhiều cái không phù hợp với cuộc sống ở thành phố. Mỗi chút mỗi nhắc, xét nét quá cũng tội cháu.

Em không biết làm sao để má dễ chịu hơn với cháu em. Thằng nhỏ ở đây cũng chỉ 2 tháng nhưng không khí trong nhà có vẻ ngày càng nặng nề hơn…

Cẩm Thu (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Cẩm Thu thân mến,

Cháu em chỉ là đứa trẻ. Với một đứa trẻ, người lớn không bận lòng hay xét nét lắm đâu. Trong mắt ba má chồng em, đó chỉ là chuyện nhỏ. Nếu cứ tập trung vào sinh hoạt của cháu, em sẽ bỏ qua chuyện lớn hơn nhiều: cách cư xử của em trong nhà ba má chồng. Có lẽ đó mới là gốc rễ của câu chuyện, mới là việc em phải giải quyết rốt ráo.

Ba má đã lớn tuổi, căn nhà vừa là nơi ở, vừa là sự khẳng định về nền tảng mà ông bà tạo dựng cả một đời, dành cho con cháu. Chuyện này không chỉ là chuyện nhà to hay nhỏ, rộng hay chật. Đây là chuyện nhà của ông bà, phép tắc, nền nếp gia đạo do ông bà thiết lập, giữ gìn.

Thư em cho thấy vợ chồng em nhận lời giúp cháu, rồi đưa cháu lên ở nhà ông bà. Vợ chồng em đã có cuộc nói chuyện nào với ông bà trước khi cháu em đến nhà chưa? Nếu chỉ một mình chồng em thưa chuyện với ba má cũng là chưa đủ. Đây là một động thái quan trọng.

Nếu chưa, bây giờ vợ chồng em nên chính thức xin phép ba má. Chọn lúc nào không có cháu em ở nhà, em nên chủ động trình bày với ba má chuyện anh chị Hai dưới quê nhờ vả, chuyện cháu xin ở đây đi học trong mấy tháng hè, anh chị Hai khi thu xếp được sẽ lên đây để có lời xin phép, cảm ơn ba má. Chắc ông bà sẽ vui vẻ đồng ý.

Em cũng nên để ý những thói quen sinh hoạt của người lớn tuổi, hỏi ý kiến ba má về việc sắp xếp chỗ ở, chỗ học hành sinh hoạt cho cậu bé 13 tuổi đó như thế nào trong nhà. Ông bà sẽ có ý kiến, mình cần lắng nghe.

Đưa cháu lên đi học trong mấy tháng hè là việc tốt nhưng thêm 1 thành viên mới vào nhà và thành viên đó đang ở tuổi dậy thì, em sẽ phải cố gắng rất nhiều. Đã đồng ý giúp anh chị, giúp cháu, em nên kiên nhẫn. Đây cũng là khoảng thời gian bận rộn của em.

Hãy cố gắng trò chuyện, giải thích để cháu em có thể hòa hợp với nếp sống của cả gia đình, đừng vì những chuyện nhỏ nhặt của trẻ con mà gây mất lòng người lớn. Chúc em thu xếp gọn gàng chuyện nhà.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Minh Tú (Quận 3, TPHCM): Hãy đặt mình vào vị trí của má chồng

Việc bạn cho cháu ở nhờ là một nghĩa cử. Tuy nhiên, bạn chỉ nên nhận lời khi vợ chồng bạn đang sống riêng, còn nếu đang ở nhờ nhà ba má chồng, lẽ ra bạn nên từ chối.

Bởi lẽ, có những người đã quen với không gian sống riêng tư và yên tĩnh, sự xuất hiện của người lạ sẽ khiến họ cảm thấy không gian cá nhân bị xâm phạm, ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt vốn có, từ đó đâm ra khó chịu. Má chồng của bạn thuộc mẫu người này. Hơn nữa, việc nuôi thêm 1 người sẽ kéo theo chi phí sinh hoạt trong gia đình tăng lên, chi phí này do ai chi trả?

Qua lời bạn kể, má chồng của bạn không phải người quá khó khăn mà là do bạn không đủ tinh tế trong ứng xử, không rõ ràng trong mọi chuyện khiến bà cảm thấy mình không được tôn trọng trong chính ngôi nhà của mình.

Đây là cháu ruột của bạn chứ không phải cháu ruột của má chồng bạn, tình yêu thương và lòng vị tha không thể như cách bạn muốn, bạn nghĩ. Đặt mình vào vị trí của má, bạn sẽ hiểu và thương bà hơn. Hãy nói chuyện riêng với má để lắng nghe suy nghĩ của bà, tìm hiểu xem cháu có hành động gì làm má khó chịu hay không. Hãy mua một món quà tặng má để bày tỏ lòng biết ơn vì đã cho phép cháu bạn ở nhờ.

Khắc Hiếu (Huyện Dĩ An, Bình Dương): Dạy cháu cách cư xử

Khi quyết định đưa cháu lên ở cùng là bạn đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong cuộc sống. Để mọi người được vui vẻ, cháu bạn cần phải “nhập gia tùy tục”, tuân thủ những quy tắc, nếp sống ở nơi mới. Không thể lấy lý do cháu bạn mới 13 tuổi, quen cách sinh hoạt ở quê nên… sống sao cũng được.

Ba má chồng bạn đã lớn tuổi nên sẽ rất khó ngủ. Bạn nên sắp xếp một không gian riêng để cháu có thể học bài, vui chơi ở đó. Hãy giúp cháu lập thời gian biểu sinh hoạt cụ thể về giờ học, giờ chơi, giờ ngủ. Hướng dẫn cháu cách giữ gìn vệ sinh chung. Nhắc cháu không làm ồn ào vào ban đêm, xếp gọn đồ đạc sau khi sử dụng; phụ giúp công việc lặt vặt trong gia đình như lau nhà, rửa chén, phơi quần áo… vào thời gian rảnh.

Để cháu vui vẻ hưởng ứng, bạn cần giải thích rõ cho cháu hiểu dù sống với ai, sống ở đâu cũng phải tuân thủ, thích nghi với những quy định, nền nếp ở nơi đó.

Theo phụ nữ TPHCM